Nỗ lực hiện đại hóa quân đội của ông Trump quá muộn?

Quyết định tăng ngân sách quốc phòng và đầu tư vào các dự án chiến lược nhằm hiện đại hóa quân đội của ông Trump nhận được sự ủng hộ rất cao.

Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu ở Lexington, ông Daniel Gur cho biết rằng, ông đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Donald Trump trong việc khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Phiên bản xe tăng M1A2 Abrams của quân đội Mỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngân sách dành cho các chương trình quốc phòng bắt đầu giảm, vì vậy khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ bị ảnh hưởng, đặc biệt là không đáp ứng yêu cầu trong các cuộc xung đột với các đối thủ tiểm năng, một phần vũ khí, trang bị quân sự đang dần trở nên lỗi thời. Nhận xét này được đăng tải trên tạp chí nổi tiếng The National Interest của Mỹ.

Việc thiếu ngân sách đã ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và trong toàn bộ ngành công nghiệp quân sự. Kết quả là, sản xuất bị thu hẹp và giảm dần. Nhiều công ty quốc phòng đã phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa hoàn toàn các dự án nghiên cứu khoa học triển vọng của họ.

Trong khi đó theo ông Gur, các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đã tích cực đầu tư vào sản xuất các sản phẩm truyền thống của ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như ứng dụng công nghệ mới và phát triển loại sản phẩm thế hệ mới vượt trội hơn hẳn Mỹ.

Ví dụ như Nga đã thực hiện thành công chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong vòng 10 năm và tạo ra hàng loạt loại vũ khí, thiết bị quân sự mới với khả năng có một không hai trên thế giới và được các nước thừa nhận.

Để đối phó với những thách thức này, chính quyền Mỹ đã tăng cường mua sắm trang thiết bị quân sự, bao gồm xe chiến đấu bọc thép, máy bay chiến đấu, trực thăng và tên lửa, đặc biệt là đầu tư vào các dự án phát triển vũ khí tương lai.

Điều này được thể hiện rõ nét khi họ bắt đầu đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng, ví dụ như quyết định đầu tư sản xuất các loại xe tăng mới Abrams.

Theo kế hoạch năm 2019 quân đội Mỹ sẽ nhận được 135 xe tăng loại này nhưng với phiên bản nâng cấp M1A2 System Enhancement SEPv3.

Công việc này sẽ được thực hiện tại nhà máy duy nhất của nước này ở Lima, Ohio. Cần lưu ý rằng đây là doanh nghiệp mà Quốc hội đã nhiều lần tìm cách đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh.

Trong nhiều năm, nhà máy ở Lima và lực lượng lao động còn lại chỉ tồn tại nhờ việc hiện đại hóa và sửa chữa các xe tăng Abrams.

Quyết định này sẽ tác động tích cực đến nhà máy cũng như đến các ngành sản xuất quốc phòng của Mỹ. Nếu tiếp tục được đầu tư nhà máy này sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp và sản xuất tăng phiên bản thế hệ mới SEPv4.

Các nghị sĩ đến từ Ohio và Michigan, những người ủng hộ chương trình này đã đề nghị tiếp tục tăng mức sản xuất xe tăng trong tương lai. Với tốc độ như hiện nay phải mất hơn một thập kỷ nữa mới có thể trang bị chúng đầy đủ cho các lực lượng vũ trang Mỹ.

Họ cũng cho rằng, chỉ cần có kinh phí, nhà máy này không chỉ sản xuất xe tăng Abrams mà còn có thể nâng cấp các loại xe bọc thép khác như Bradley, Paladin và Armored Multipurpose Vehicle.

Ngoài ra, ngân sách quốc phòng cũng sẽ được cung cấp để người Mỹ phát triển các loại vũ khí siêu thanh, các loại tàu mặt nước... nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm tiếp tục duy trì vị trí siêu cường của người Mỹ.

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, biện pháp này chỉ hiệu quả trong tương lai gần, song song với quá trình này người Mỹ cần tập trung phát triển những loại vũ khí hoàn toàn mới.

Các phiên bản nâng cấp chỉ dựa trên nền tảng có sẵn nên hiệu quả sẽ bị hạn chế.

Trong tình hình hiện nay quân đội Mỹ cần những loại vũ khí hoàn toàn mới và có thể phục vụ lâu dài trong quân đội.

Chí Huy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/no-luc-hien-dai-hoa-quan-doi-cua-ong-trump-qua-muon-3363415/