Nỗ lực hàn gắn quan hệ Nga - EU

Những tổn thất nặng nề từ việc đáp trả trừng phạt lẫn nhau là một phần lý do làm gia tăng xu thế ủng hộ hàn gắn quan hệ Nga - Liên hiệp châu Âu (EU). Tuy nhiên, do những bất đồng sâu sắc liên quan cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina chưa được tháo gỡ, quan hệ hai bên tiếp tục đối mặt nhiều sóng gió.

Trong cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chủ động bày tỏ thiện chí “muốn làm ấm lại” quan hệ với EU. Ông Lavrov nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng khôi phục tất cả các kênh đối thoại, hợp tác và những dự án cùng có lợi với EU, vốn bị đóng băng sau mùa xuân năm 2014, thời điểm phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc liên quan cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina . Trước thái độ thiện chí của Nga, xu thế ủng hộ hàn gắn quan hệ với Nga đang tiếp tục gia tăng tại châu Âu. Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra tại Đức, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Sigmar Gabriel nhấn mạnh, Berlin ủng hộ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, nếu các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ucraina với sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Theo ông Gabriel, việc đòi hỏi thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ucraina trong khi vẫn áp đặt trừng phạt Nga là “không thực tế” và châu Âu cần xem xét vai trò của Nga đối với sự ổn định của khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha Silva nhất trí quan điểm các bên cần tận dụng triệt để cơ hội để đưa quan hệ EU - Nga thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Không ngạc nhiên khi nhiều nước EU nóng lòng muốn hàn gắn quan hệ với Nga. Thực tế cho thấy, cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau trong những năm qua không chỉ gây sóng gió đối với nền kinh tế Nga, mà cũng khiến EU trả giá. Nhiều quốc gia thành viên EU cảm thấy mệt mỏi, bởi quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đan xen, phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế nặng nề, khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga được công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế EU thiệt hại 3,2 tỷ USD/tháng và tổng thiệt hại đến nay đã vượt 100 tỷ USD. Trong khi đó, mặc dù bị cấm vận và chịu tác động mạnh từ việc giá dầu thế giới lao dốc, Chính phủ Nga vẫn duy trì chính sách kinh tế hiệu quả, có tính thích nghi cao, khiến nền kinh tế trụ vững trước giông bão.

Mặc dù nhận thức rõ ràng những thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau nhưng sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ Nga - EU vẫn chưa thể “xuôi chèo mát mái”. Các chuyên gia nhận định, những bất đồng sâu sắc chung quanh cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina tiếp tục ngăn cản tiến trình cải thiện quan hệ Nga - EU. Mới đây Ủy ban đại diện thường trực các nước thành viên EU (COREPER) đã đề nghị tự động gia hạn những biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp Nga (hết hiệu lực ngày 15-3 tới). Mặc dù việc tự động gia hạn vấp phải sự phản đối của một quốc gia thành viên, nhưng một phiên họp cấp Bộ trưởng EU đã được triệu tập để thông qua quyết định gia hạn sáu tháng các biện pháp này. Hiện có 150 cá nhân và 38 công ty của Nga nằm trong “danh sách đen” của EU.

Thời gian qua, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ucraina đã dẫn tới đổ vỡ trong quan hệ song phương, nhưng hai bên vẫn chia sẻ nhiều lợi ích chung không thể tách rời. Vì vậy, càng sớm cải thiện mối quan hệ, EU và Nga sẽ càng hứng chịu ít tổn thất. Trong Thông điệp liên bang 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nếu châu Âu muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác bình đẳng với Nga, Moscow chắc chắn sẽ đáp lời.

HIẾU THIỆN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/35778202-no-luc-han-gan-quan-he-nga-eu.html