Nỗ lực giúp gia đình người có công thoát nghèo

Thực hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC), gia đình chính sách với nhiều hành động thiết thực đã góp phần nâng cao mức sống của NCC.

Nâng mức trợ cấp, hỗ trợ toàn diện đối với NCC

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu NCC, trong đó, gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Tính đến năm 2018, với mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi NCC theo Nghị định số 99/2018/NĐ-CP là hơn 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi NCC hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức ưu đãi đối với NCC nâng lên là 1,62 triệu đồng. Tổng kinh phí để thực hiện mức tăng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho NCC là khoảng 716 tỷ đồng.

Người có công được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Người có công được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, chỉ riêng dịp 27/7, mỗi năm Nhà nước dành khoảng hơn 300 tỷ đồng trích từ NSNN để tặng quà cho đối tượng NCC; giai đoạn 2012 - 2018, cả nước đã chi hơn 10.700 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.400 gia đình NCC làm mới trên 44.600 căn nhà và sửa chữa hơn 40.700 căn nhà tình nghĩa; tặng hơn 63.500 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng.

Đánh giá về việc thực chính sách đối với NCC, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, ngoài chính sách trợ cấp thường xuyên, trợ cấp 1 lần, các đối tượng NCC còn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Riêng nguồn ngân sách chi bảo hiểm y tế, ưu đãi trong giáo dục đối với NCC và gia đình mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng… từ đó góp phần nâng cao mức sống cho NCC. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn gần 17.000 hộ nghèo. “Đây thực sự là điều trăn trở khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội”,Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng bày tỏ.

Huy động các nguồn lực giúp NCC thoát nghèo

Để thực hiện mục tiêu "phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới… cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (năm 2012), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định mới cho phù hợp, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NCC cùng thân nhân, gia đình của họ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội đối với NCC, gia đình NCC.

Hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công.

Trước thực tiễn cuộc sống đặt ra, hiện, dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2019. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số chế độ trợ cấp ưu đãi, trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần cũng đang được nghiên cứu đề xuất. Theo đó sẽ hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC thông qua các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cụ thể như chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCC vay vốn đầu tư sản xuất.

Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.

Để góp phần giảm nghèo cho các hộ có thành viên là NCC, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm cho tất cả NCC được thụ hưởng chế độ đúng quy định. Trong đó, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cần nghiên cứu, đề xuất chính sách với các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có thành viên thuộc diện NCC thông qua các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên vay vốn; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc huy động sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư nơi cư trú để hỗ trợ gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ con em của gia đình NCC khởi nghiệp, lập nghiệp bằng việc tổ chức các lớp đào tạo về khởi nghiệp, tổ chức tham quan mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương khác..

CHÂU ANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/no-luc-giup-gia-dinh-nguoi-co-cong-thoat-ngheo-d103075.html