Nỗ lực giữ học sinh ở những điểm trường nơi vùng xa heo hút

GDVN- Nhiều năm trở lại đây trên những điểm trường heo hút mù sương này, học sinh luôn đến trường đầy đủ mỗi ngày trong một tâm thế vui tươi và đầy hào hứng.

Đi học chuyên cần với học sinh miền xuôi cũng là chuyện bình thường nhưng với học sinh miền núi, đặc biệt là nơi những bản làng heo hút, đường đi lại ngăn sông cách trở là một sự nỗ lực rất lớn của nhà trường, của các thầy cô giáo nơi đây.

Tổ chức Tết Trung thu cho học sinh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Tổ chức Tết Trung thu cho học sinh (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết nhà trường có 3 điểm trường khó khăn nhất, nơi này chủ yếu dạy các em dân tộc Khơ Mú.

Cả 3 điểm trường hiện chưa có điện, đường xá đi lại cực kỳ khó khăn, học sinh ở bản này phải qua bản khác đi học, đường xa, đồi núi quanh co khúc khuỷu, có em còn phải đi đò qua sông mới tới được điểm trường.

Thế mà, ngày 2 buổi học sinh vẫn đến trường rất chuyên cần. Cả năm không có hiện tượng học sinh bỏ học trừ một số em theo gia đình đi làm ăn xa.

Đó chính là nỗ lực của nhà trường, của giáo viên trong việc giữ chân học sinh đi tìm con chữ mỗi ngày.

Phát triển mô hình dân nuôi

Học sinh nơi đây đã được học cả ngày nhưng các em chưa được hưởng chế độ học sinh nội trú theo Nghị định số: 116/2016/NĐ-CP do còn thiếu một số điều kiện trong đó có điều kiện về cơ sở vật chất…

Lớp học thêm 0 đồng luôn sáng đèn bên lòng hồ Bản Vẽ

Vì thế, nhiều học sinh ở cách điểm trường xa, đường xá đi lại khó khăn nên sáng đi học trưa về nhà ăn cơm rồi lại đi học buổi chiều sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Còn ở lại trường học tiếp buổi chiều thì buổi trưa các em sẽ ăn uống nơi nào? Ở lại thì nhịn đói, vạ vật không nơi nghỉ trưa, về nhà xa xôi, đôi khi sẽ không thể đến lớp học vào buổi chiều.

Thương trò, muốn giúp các em đi học chuyên cần, mô hình dân nuôi đã ra đời từ đó.

Thầy Thanh cho biết, nhà trường đã phát động phụ huynh hằng ngày chuẩn bị cơm cho con em mình mang theo vào mỗi buổi sáng đến trường.

Những phần cơm đã được giao cho thầy cô tập hợp lại. Tan học, các em sẽ ở lại trường vui chơi, đến giờ ăn trưa sẽ cùng ăn chung với các thầy cô giáo nội trú của mình.

Ăn xong, thầy trò cùng kê bàn ghế ngay trong lớp học để nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi học tiếp theo vào đầu giờ chiều.

Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tại trường

Cùng với mô hình dân nuôi, nhà trường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích giúp các em mỗi ngày đến trường thật sự là niềm vui. Điều này cũng đã hạn chế được việc học sinh nghỉ học ở nhà.

Tổ chức cho các em đọc và tìm hiểu sách (Ảnh nhà trường cung cấp)

Thầy Thanh cho biết, vào các giờ ra chơi, giáo viên sẽ tổ chức nhiều trò chơi dân gian cho học sinh tham gia. Cùng với đó là việc tổ chức thư viện sách ngay sân trường để các em tiếp cận với văn hóa đọc.

Tổ chức Ngày Tết quê em (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nhà trường cũng tổ chức hoạt động giới thiệu, tìm hiểu những cuốn sách hay và nêu cảm nhận của mình.

Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động giao lưu, trải nghiệm bổ ích như ngày Tết quê em, Tết Trung thu, giao lưu An toàn giao thông, cuộc thi văn nghệ…

Tổ chức giao lưu An toàn giao thông (Ảnh nhà trường cung cấp)

Cô giáo cắm bản Phạm Thị Hồng Nhung cho biết, ở nhà các em cũng không được vui như vậy. Đến trường vừa được học lại được vui chơi, được tham gia các hoạt động ngoại khóa nên học sinh rất hồ hởi.

Có lẽ nhờ vậy mà nhiều năm trở lại đây trên những điểm trường heo hút mù sương này, học sinh luôn đến trường đầy đủ mỗi ngày trong một tâm thế vui tươi và đầy hào hứng.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/no-luc-giu-hoc-sinh-o-nhung-diem-truong-noi-vung-xa-heo-hut-post210594.gd