Nỗ lực giảm thiểu khai thác thủy sản tận diệt

Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động và ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý của Đồn Biên phòng Xuân Đài, BĐBP Phú Yên, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt tại Vịnh Xuân Đài đã 'hạ nhiệt'. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh một năm trước, khu vực này có sự gia tăng đột biến hoạt động khai thác thủy sản trái phép.

Phương tiện khai thác thủy sản của ngư dân phường Xuân Thành neo đậu tại bến. Ảnh: Nguyễn Bích

Phương tiện khai thác thủy sản của ngư dân phường Xuân Thành neo đậu tại bến. Ảnh: Nguyễn Bích

Còn nhớ, thời điểm gần một năm về trước, khi chúng tôi tới Đồn Biên phòng Xuân Đài, BĐBP Phú Yên, những người lính ở đây đang căng sức tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng hành nghề khai thác thủy sản tận diệt, nhất là nghề cào sò trong vùng Vịnh Xuân Đài. Câu chuyện nóng mà họ hay nhắc tới là sự chống đối hung hãn của các đối tượng hành nghề giã cào (một hình thức khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản) gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác thủy sản, hủy hoại môi trường cũng như giữ gìn an ninh trật tự.

Thiếu tá Nguyễn Văn Trân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Đài cho biết: “Địa bàn quản lý của đơn vị rất rộng, bao gồm xã Xuân Phương, phường Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Yên, Xuân Thành, thị xã Sông Cầu và Vịnh Xuân Đài – vịnh lớn nhất tỉnh Phú Yên với dân số hơn 43.000 khẩu. Trên địa bàn có gần 1.300 phương tiện/3.600 lao động làm ăn trên biển. Người dân chủ yếu khai thác gần bờ và nuôi trồng thủy sản”.

Chỉ cho chúng tôi thấy một loạt công cụ lồng sắt để cào sò mà đơn vị thu giữ trong các đợt ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện hành nghề cấm, Đại úy Trần Kim Nhân, Phó Đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Xuân Đài cho hay: “Những năm trước, nổi lên việc khai thác thủy sản tận diệt, trong đó có hoạt động cào sò lụa. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân hạn chế, trong khi lợi nhuận thu được từ nghề này cao. Hoạt động giã cào khiến cho việc quản lý an ninh trật tự của BĐBP gặp nhiều khó khăn”.

Theo thống kê của Đồn Biên phòng Xuân Đài, trong năm 2018, đơn vị đã xử lý 35 vụ/35 phương tiện/55 đối tượng hành nghề cấm. Đơn vị cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 101 triệu đồng, tiến hành tịch thu nhiều công cụ cào sò bằng sắt và 2 miệng giã cào đôi, trả lại môi trường biển khoảng 300kg sò láng.

Vịnh Xuân Đài được bao bọc ba mặt bằng những dải núi vươn dài ra biển, hình thành những vịnh, vũng, đầm, đảo, bán đảo. Vịnh Xuân Đài có nhiều loại san hô, thảm cỏ biển và rong biển. Trò chuyện với chúng tôi, những ngư dân ở Sông Cầu luôn tự hào về hệ sinh thái đa dạng, phong phú của Vịnh Xuân Đài. Trong đó, các loài đặc sản như tôm hùm, cá mú, cá bớp, sò huyết, sò lụa, san hô không phải đầm, vịnh nào cũng có. Tuy nhiên, họ cũng không khỏi lo lắng, bất an trước sự gia tăng hoạt động của các tàu giã cào đang gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển, làm suy giảm rõ rệt nguồn lợi thủy sản.

Là người đã gắn bó với nghề khai thác thủy sản hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Nhi, phường Xuân Thành cho hay: Mấy năm nay, sò láng được giá, người ta đua nhau cào sò. Các tàu cào sò hoạt động liên tục làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, gây chết nhiều loại thủy sản người dân nuôi trồng. Hiện giờ, cua, ghẹ, tôm tít sản lượng đánh bắt giảm dần”.

Thực tế, không chỉ hủy hoại môi trường sinh thái, hoạt động giã cào còn tiềm ẩn mất an ninh trật tự trên địa bàn. Theo những người lính Đồn Biên phòng Xuân Đài, việc xử lý tàu giã cào gặp nhiều khó khăn vì các phương tiện của ngư dân có thể cơ động, luồn lách thuận lợi vào các bè nuôi cá, tôm trên vịnh. Hơn nữa, các đối tượng làm nghề giã cào chủ yếu hoạt động vào ban đêm, sẵn sàng bỏ phương tiện hoặc chặt đứt lưới để chạy trốn khi gặp lực lượng tuần tra, kiểm soát. Một số đối tượng còn ngoan cố, chống trả không cho tổ tuần tra tiếp cận phương tiện, thậm chí còn đe dọa, xúc phạm cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Một số ngư dân sử dụng ghe thuyền cá nhân hỗ trợ BĐBP làm nhiệm vụ cũng bị đe dọa. Điển hình như vụ việc xảy ra hồi tháng 8-2018, một đối tượng tên Thanh khi đang hành nghề đánh bắt kiểu tận diệt bị tàu tuần tra Biên phòng phát hiện đã chống trả tổ tuần tra. Trên đường bị dẫn giải về Trạm kiểm soát Biên phòng, đối tượng Thanh đã cho thuyền luồn lách vào các bè nuôi tôm rồi nhảy xuống biển. Khi được mời lên đồn Biên phòng lập biên bản để xử lý, đối tượng Thanh ngoan cố không thừa nhận hành vi phạm tội.

Đồn Biên phòng Xuân Đài thu giữ hàng chục lồng sắt cào sò trên Vịnh Xuân Đài. Ảnh: Nguyễn Bích

Phục vụ công tác quản lý địa bàn, thời gian qua, Đồn Biên phòng Xuân Đài phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê các phương tiện hoạt động nghề cấm, đồng thời, vận động ngư dân chuyển đổi nghề. Bên cạnh hoạt động vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển, Đồn Biên phòng Xuân Đài đã tham mưu cho UBND thị xã Sông Cầu, Thị ủy ra kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, giảm thiểu phương tiện hoạt động nghề cấm khai thác trong đầm, vịnh. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Xuân Đài cũng vận động nhân dân các xã, phường kêu gọi chủ phương tiện ký cam kết không đánh bắt tận diệt.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, kết hợp tuyên truyền, vận động với tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, trong vịnh và kiên quyết đấu tranh, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm, đến nay, tình trạng khai thác sò lụa trong Vịnh Xuân Đài giảm khoảng 80%. Được biết, Đồn Biên phòng Xuân Đài sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và hình thành ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên trong đầm, vịnh cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, vận động ngư dân không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thuộc danh mục cấm khai thác...

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/no-luc-giam-thieu-khai-thac-thuy-san-tan-diet/