Nỗ lực giảm phát thải của công ty gây ô nhiễm hàng đầu Hàn Quốc

Ssangyong C&E đang thực hiện đốt khoảng 3 nghìn tấn chất thải nhựa tổng hợp mỗi ngày để vận hành nhà máy ở thành phố Donghae, giảm lượng than sử dụng.

Ssangyong C&E, một trong những công ty gây ô nhiễm nhất ở Hàn Quốc, đang chuyển sang dùng nhựa phế thải để đốt các lò xi măng thay vì dùng than như trước. Biện pháp này nhằm giảm lượng khí phát thải của nhà máy, tuy nhiên tính hiệu quả thực sự của biện pháp còn đang bị nghi ngờ ở một số nơi khác trên thế giới.

Chuyên gia phân tích David Kang của BloombergNEF cho biết Ssangyong C&E đã phát thải 9,9 triệu tấn CO2 vào năm 2020, lượng nhiều thứ tư trong số các doanh nghiệp phát thải công nghiệp của Hàn Quốc. Ssangyong C&E đang có tham vọng trở thành doanh nghiệp không dùng than vào năm 2030.

Được biết tới là nhà sản xuất xi măng lớn hàng đầu xứ sở kim chi, Ssangyong C&E đang thực hiện đốt khoảng 3 nghìn tấn chất thải nhựa tổng hợp từ nhựa, vải dệt và lốp xe đã qua sử dụng mỗi ngày để vận hành nhà máy ở thành phố Donghae, tỉnh Gangwon, bờ biển phía đông Hàn Quốc. Công ty cho biết biện pháp này đã giúp giảm sử dụng 30% lượng than, mặc dù tổng lượng khí thải carbon chỉ giảm 3,3% so với mức năm 2018.

Các nhà sản xuất xi măng tại Hàn Quốc đang ngày càng chịu sức ép trong việc giảm tác động đến môi trường. Đây là một phần của những nỗ lực thực hiện hóa mục tiêu Hàn Quốc giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 2018 và đạt được trung hòa khí thải vào năm 2050.

Là một phần của mục tiêu đó, các nhà sản xuất xi măng sẽ phải thay thế khoảng 36% lượng than sử dụng bằng chất thải để cắt giảm 12% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomerg, những người chỉ trích các hoạt động chuyển đổi chất thải thành năng lượng cho rằng việc đốt nhựa vẫn tạo ra khí thải CO2, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Ssangyong C&E tuyên bố các lò nung của hãng có nhiệt độ lên tới 2.000 độ C (3.600 độ F), có thể "cắt giảm đáng kể" lượng khí thải đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Nhà máy của Ssangyong C&E ở thành phố Donghae, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Nguồn: Ssangyong C&E.

Nhà máy của Ssangyong C&E ở thành phố Donghae, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Nguồn: Ssangyong C&E.

Ông Noh Woong-rae, một nghị sĩ Hàn Quốc đang thúc đẩy luật pháp nước này buộc ngành công nghiệp tiết lộ các vật liệu dùng làm nhiên liệu, nhận định: "Nói rằng các nhà sản xuất xi măng đang sử dụng chất thải làm nhiên liệu để giúp họ “xanh” hơn có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai sự thật".

Các nhà sản xuất xi măng Hàn Quốc hiện được phép sử dụng 88 loại chất thải để làm nhiên liệu, nhiều hơn so với quy định chỉ 34 loại được cho phép ở Mỹ, 25 loại ở Đức và 20 loại ở Nhật Bản. Ông Noh Woong-rae cho rằng Hàn Quốc đang thiếu các quy định để giám sát kim loại nặng. Ông nhận định các nhà sản xuất xi măng “nên xem xét tác động đến sức khỏe của con người, không chỉ là quan tâm đến nguồn tài nguyên tái chế”.

Ssangyong C&E đã đầu tư khoảng 478 tỷ won (363 triệu USD) vào các cơ sở sử dụng nhựa phế thải làm nhiên liệu, hệ thống thu hồi nhiệt thải, hệ thống lưu trữ năng lượng và các nhà cung cấp chất thải nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rác để đốt.

Vào đầu tuần này, Ssangyong C&E đã báo cáo lợi nhuận hoạt động trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay đạt 52 tỷ won, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu công ty tăng 16,9% so với cùng kỳ lên mức 486,3 tỷ won.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomerg, Yonhap)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/no-luc-giam-phat-thai-cua-cong-ty-gay-o-nhiem-hang-dau-han-quoc-a562993.html