Nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, nhờ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các nguồn lực trong công tác giảm nghèo tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS đã giúp nhiều hộ dân tại tỉnh Gia Lai thoát nghèo.

Nhiều chính sách giảm nghèo

Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh năm 2017 là 34,49%, nhưng đến cuối năm 2019 giảm chỉ còn 13,42%.

Hộ nghèo tại huyện Chư Pưh được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế.

Hộ nghèo tại huyện Chư Pưh được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế.

Tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) công tác giảm nghèo, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS được các cấp chính quyền chú trọng. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng đã giảm đáng kể.

Tính đến hết năm 2019, huyện Chư Pưh còn 1.155 hộ nghèo, chiếm 6,8%. Trong đó, có 981 hộ nghèo người DTTS, chiếm 85% hộ nghèo toàn huyện.

Bên cạnh hiệu quả mang lại từ các Chương trình giảm nghèo, UBND huyện Chư Pưh đã phân công các phòng, ban, đơn vị kêu gọi, giúp đỡ hộ nghèo. Theo đó, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các 37 hộ nghèo này với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng mô hình kinh tế tập thể để giảm nghèo bền vững.

Theo UBND huyện Chư Pưh, trong tời gian tới, địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS.

Ngoài ra, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Qua đó, giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Không những vậy, gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình MTQG. Theo đó, huy động tối đa các nguồn lực đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, kịp thời các chính sách của Nhà nước.

Vươn lên thoát nghèo

Theo UBND xã Hà Tây (huyện Chư Păh, Gia Lai), làngKon Sơ Lăl có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Cụ thể, làng Kon Sơ Lăl có 119/126 hộ là hộ đồng bào DTTS, chiếm hơn 90%.

Theo báo cáo rà soát tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2019, toàn làng có 34 hộ nghèo, trong đó 100% là người đồng bào DTTS, chiếm 27%. Kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, làm thuê cuốc mướn. Không những vậy, người dân chưa biết áp dụng Khoa học – Kĩ thuật tiên tiến vào trong sản xuất nên kinh tế chậm phát triển, điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn.

Tuy nhiên, nhờ các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước nên người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn và hỗ trợ bò giống, xây dựng nhà ở…

Cuộc sống người dân ổn định, kinh tế dần phát triển nhờ các chính sách của Nhà nước.

Chị Djưuh (39 tuổi, làng Kon Sơ Lăl) có ít đất sản xuất nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn, nhưng chị Djưuh đã có 7 người con, đứa nhỏ chỉ mới được vài tháng tuổi. Bố mẹ bận đi làm nương rẫy nên 7 người con nương tựa nhau mỗi ngày. Những người con lớn thay bố mẹ nấu nướng, chăm sóc em.

“Gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà nên có chỗ che mưa, che nắng. Do đó, mình biết ơn chính quyền, nhà nước lắm. Hiện tại chồng mình lên rẫy còn mình ở nhà chăm con vì cháu còn quá nhỏ. Gia đình chỉ có 3 sào lúa nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Người dân quanh đây còn nghèo lắm nên cũng chẳng ai thuê gì.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền nên gia đình mình sẽ cố gắng làm lụng để phát triển kinh tế. Qua đó, các con mình sẽ được đi học đến nơi đến chốn. Hy vọng sau này các con sẽ học thành tài, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo.”, chị Djưuh nói.

Còn tại làng Đê Bơ Tưk (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang) có 692 hộ. Trong đó, có 198 hộ nghèo chiếm 61%, tập trung chủ yếu ở làng Đê Bơ Tưk và làng Pông Pim. Kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do đất đai bạc màu nên sản lượng thấp.

Những năm qua các cấp chính quyền cũng quan tâm, hỗ trợ người dân xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang) thông qua các Chương trình 135, 168, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã cấp bò giống, phân bón, lúa giống … cho các hộ nghèo. Qua đó, người dân được hỗ trợ cây giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài ra, năm 2020, UBND huyện Mang Yang cũng đã triển khai đề án phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững làng Đê Bơ Tưk, xã Đăk Jơ Ta (giai đoạn 2020-2022).

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TTTT.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/no-luc-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-eRWPsYdMR.html