Nỗ lực giảm nghèo ở các huyện 30a

Nằm trong số huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, những năm qua, các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé (tỉnh Ðiện Biên) được thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo.

Nhờ có sự hỗ trợ từ Chương trình 30a, nhiều gia đình ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) phát triển kinh tế VAC, từng bước thoát nghèo.

Nhờ có sự hỗ trợ từ Chương trình 30a, nhiều gia đình ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) phát triển kinh tế VAC, từng bước thoát nghèo.

Mỗi huyện một cách làm sáng tạo phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, cho nên mấy năm gần đây, kết quả giảm nghèo ở các huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhiều năm gắn bó với công tác xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) của tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ, TB-XH) tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Thanh Sơn là người tường tận quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP tại Ðiện Biên, ông cho biết: Nghị quyết 30a giống như "luồng gió mới" trong công tác XÐGN ở địa phương, nhất là các huyện nghèo. Bởi vậy, ngay khi Nghị quyết 30a có hiệu lực, tỉnh Ðiện Biên khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình XÐGN cấp tỉnh và cấp huyện; UBND tỉnh phân công từng cán bộ lãnh đạo tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác XÐGN tại năm huyện; Sở LÐ, TB - XH là cơ quan thường trực ban chỉ đạo, có sự tham gia của bốn ngành chức năng.

Thời điểm tỉnh Ðiện Biên bắt đầu thực hiện Nghị quyết 30a (năm 2008), tổng số hộ nghèo trên địa bàn các huyện 30a là gần 20 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 57,5% tổng dân số của năm huyện. Trong đó, huyện có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất là Mường Nhé (hơn 66,18%) so với số dân toàn huyện; thấp nhất là huyện Ðiện Biên Ðông, với tỷ lệ hơn 50%. Ðể các huyện nghèo có điều kiện thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, ngay năm 2009, tỉnh đã phê duyệt phân bổ vốn tạm ứng cho các huyện; theo đó, mỗi huyện được ứng 25 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập gồm phát triển rừng, mua giống trâu, bò; đầu tư một số công trình cơ sở hạ tầng như: giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ và cấp nước sinh hoạt. Cùng với kinh phí được Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ (gần 140 tỷ đồng), đến cuối năm 2009, toàn tỉnh Ðiện Biên có 8.454 hộ nghèo tại các huyện nghèo 30a được hỗ trợ làm nhà ba cứng (mái, khung, nền); các huyện nghèo cũng thực hiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi, học nghề để người nghèo chủ động giảm nghèo bền vững.

Mường Ảng là huyện tiêu biểu của tỉnh Ðiện Biên trong thực hiện các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a. Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a như: nước sinh hoạt, nhà ở, hỗ trợ sản xuất... được huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao mức sống của người dân, giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 68,43% (năm 2010) xuống còn 36% vào cuối năm 2015. Ðến cuối năm 2018, toàn huyện Mường Ảng còn 4.285 hộ nghèo (41,04%) theo tiêu chí nghèo đa chiều.

Trao đổi về cách triển khai các chương trình giảm nghèo, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Căn cứ điều kiện từng xã, UBND huyện chỉ đạo lựa chọn hợp phần triển khai phù hợp, theo thứ tự ưu tiên: "Trước mắt hỗ trợ người nghèo qua đói, sau đó hỗ trợ tạo sinh kế lâu dài". Theo cách làm đó, những năm qua, huyện chú trọng thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập; từng bước làm thay đổi nhận thức người nghèo, để người nghèo có ý thức vươn lên. Như chính sách giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng mà huyện đã triển khai đến từng gia đình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với nguồn vốn hơn 4,8 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ gần 5.000 hộ trồng, chăm sóc hơn 11 nghìn ha rừng. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; đồng thời nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 23,91%. Với cây cà-phê, cây trồng thế mạnh của địa phương, từ nguồn kinh phí Nghị quyết 30a, huyện Mường Ảng đã hỗ trợ người dân trồng mới và tái canh 952.101 cây; bảo đảm diện tích cà-phê của huyện luôn hơn 3.000 ha.

Với huyện Ðiện Biên Ðông, việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a cũng có nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm đầu ưu tiên kinh phí hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, UBND huyện đã tập trung mọi nguồn lực và cử cán bộ các phòng, ban về từng địa bàn triển khai, giám sát người nghèo làm nhà. Sau đó, huyện chủ trương thực hiện các mô hình thí điểm cây trồng, vật nuôi, với sự tham gia trực tiếp của người nghèo, để qua đó bà con làm quen cách làm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sẽ cho hiệu quả cao hơn. Những năm gần đây, huyện Ðiện Biên Ðông lại ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển đàn gia súc (trâu, bò, dê) và hỗ trợ lao động đi học nghề, làm việc ngoại tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Với lợi thế nguồn lao động và khí hậu phù hợp, từ năm 2017 đến nay, huyện dành phần lớn nguồn lực hỗ trợ trâu, bò, dê cho người dân.

Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo 12 triệu đồng/hộ để mua con giống. Huyện giao phòng chuyên môn cử cán bộ thú y hướng dẫn người dân cách chăm sóc, tiêm thuốc phòng trị bệnh cho vật nuôi. Ðến cuối năm 2018, đàn trâu toàn huyện tăng 2.311 con so với năm 2017; đàn bò tăng 5.645 con; đàn dê tăng 3.758 con. Cũng từ kết quả đó, mà tỷ lệ hộ nghèo của Ðiện Biên Ðông giảm nhiều (năm 2018 giảm 5,53% so 2017); toàn huyện còn 7.080 hộ nghèo. Như vậy, so với chỉ tiêu tỉnh giao, thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm vượt bậc, đạt 127,99% kế hoạch. Ðiều này không chỉ cho thấy các chính sách hỗ trợ người nghèo được địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, mà còn đúng hướng, phù hợp nguyện vọng của phần lớn người nghèo.

Đánh giá tổng thể kết quả chương trình 30a tại các huyện nghèo thuộc tỉnh Ðiện Biên, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm: Năm 2018, Sở LÐ, TB - XH đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, như: Tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, MTTQ, đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư cải thiện, nâng cấp, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành, nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực; chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo được triển khai tích cực, bảo đảm sự đồng bộ, gắn kết với các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 41,01% năm 2017 xuống còn 37,08% năm 2018. Riêng các huyện nghèo 30a giảm từ 56,84% (năm 2017) xuống còn 52,09% năm 2018. Kết quả đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các huyện nghèo nói riêng, tỉnh Ðiện Biên nói chung.

Bài, ảnh: Lê Lan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39826302-no-luc-giam-ngheo-o-cac-huyen-30a.html