Nỗ lực giải quyết xác lập hồ sơ thương binh, liệt sĩ không còn giấy tờ

Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm và có nhiều chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng. Tuy nhiên, số hồ sơ tồn đọng vẫn còn khá lớn, trong đó có hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ (TBLS) không còn giấy tờ. Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng phòng TBLS-NCC, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Ngày 22-10-2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận TBLS, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Kết quả thực hiện thông tư này như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Đặng Danh Hưng: Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng; Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-5-2013 hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân; Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7-11-2013 hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận, tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, đối với số trường hợp hy sinh, bị thương không còn lưu giữ giấy tờ để lập hồ sơ xác nhận thì chưa có hướng dẫn giải quyết. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, các cơ quan chuyên môn đã trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng ký ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 (Thông tư 28), hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Việc ban hành Thông tư 28 đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giải quyết tồn đọng chính sách đối với NCC với cách mạng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Để kịp thời xử lý, Tổng cục Chính trị đã ban hành các công văn hướng dẫn chỉ đạo: Công văn số 33/CT-CS ngày 7-1-2014, Công văn số 2077/CT-CS ngày 9-11-2017, Công văn số 2450/CT-CS ngày 17-12-2019. Với quan điểm: Khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó; dễ làm trước, khó làm sau; kiên trì tháo gỡ, kịp thời thực hiện chế độ, chính sách cho đối tượng.

Kết quả, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, đơn vị quân đội và địa phương đã chủ động, tích cực, nỗ lực xác lập, xét duyệt, thẩm định được gần 7.700 hồ sơ TBLS cho đối tượng không còn giấy tờ. Trong đó, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 217 liệt sĩ; ra quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng đối với gần 4.000 trường hợp, tạo điều kiện cho đối tượng và thân nhân đối tượng kịp thời thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sự ổn định chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân và đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.

 Ảnh minh họa /qdnd.vn

Ảnh minh họa /qdnd.vn

PV: Thưa đồng chí, việc thẩm định xác nhận hồ sơ TBLS không còn giấy tờ hiện gặp phải khó khăn, bất cập gì?

Đại tá Đặng Danh Hưng: Quá trình thẩm định, xác nhận hồ sơ TBLS không còn giấy tờ là quá trình gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành chặt chẽ, thận trọng, chính xác, không để xảy ra sai sót. Bởi vì, chiến tranh đã lùi xa; việc giải quyết chính sách tồn đọng sau các cuộc chiến tranh đã qua nhiều giai đoạn lịch sử, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện không đồng bộ, thống nhất; đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, không máy móc, dập khuôn. Ngoài ra, do điều kiện chiến tranh nên công tác quản lý TBLS chưa được chặt chẽ, đầy đủ; công tác lưu trữ hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trong chiến tranh và sau chiến tranh chưa chặt chẽ, khoa học; nhiều đơn vị quân đội giải thể, sáp nhập, nhưng công tác bàn giao, lưu trữ thiếu chặt chẽ, đầy đủ, nên rất khó cho việc xác minh, kết luận. Mặt khác, nhiều đối tượng hy sinh, bị thương đã ba mươi, bốn mươi năm, nay mới lập hồ sơ mà giấy tờ của đối tượng lại không đầy đủ để chứng minh bị thương, hy sinh; đối tượng già yếu, trí nhớ giảm. Do đó, công tác xác minh, giám định rất phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian trong xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng. Bên cạnh đó, do nhận thức đơn giản hoặc vì lý do khác, một số đối tượng vô ý hoặc cố tình làm sai lệch giấy tờ gốc, như: Viết chèn, viết đè hoặc tẩy xóa, làm cho công tác xác minh, giám định rất khó khăn, dễ sai lệch, nhất là việc xác định cụ thể về trường hợp, thời gian, đơn vị hy sinh, bị thương.

PV: Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho số đối tượng không còn giấy tờ xác lập hồ sơ TBLS, tới đây cần phải có giải pháp nào, thưa đồng chí?

Đại tá Đặng Danh Hưng: Thời gian tới, đề nghị cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành chính sách quân đội cần tham mưu, đề xuất và tiếp tục làm tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy định xác nhận TBLS không còn giấy tờ; nhất là quy trình, quy định xác lập, xét duyệt hồ sơ, làm cho đối tượng và người thực hiện nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn giải quyết chính sách đối với TBLS phù hợp với thực tiễn; khắc phục những bất cập về thủ tục, quy trình xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tiếp nhận, xác minh, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng; đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định ở các cấp. Thứ tư, quá trình thực hiện, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng ở các cấp cần bảo đảm công khai, dân chủ; với phương châm: Trường hợp nào rõ thì làm trước; ưu tiên đối tượng già yếu hoặc bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; chưa rõ thì tổ chức kiểm tra, xác minh, làm sau; những trường hợp phải trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự thì tổ chức giám định kịp thời; chấp hành nghiêm quy định về thời gian xét duyệt, thẩm định ở từng cấp. Thứ năm, đề xuất bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách hợp lý; tăng cường bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực và tác phong công tác; thường xuyên quan tâm, động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người trực tiếp làm công tác tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ của đối tượng. Thứ sáu, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra trong việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng; khắc phục hiện tượng chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm; kịp thời phát hiện sai sót; kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, làm trái quy định; xử lý nghiêm túc các trường hợp khai man, trục lợi hoặc có hành vi vi phạm chính sách.

PV: Cảm ơn đồng chí!

KIM DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/no-luc-giai-quyet-xac-lap-ho-so-thuong-binh-liet-si-khong-con-giay-to-619645