Nỗ lực giải quyết việc làm ở Phú Lương

Công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm luôn được huyện Phú Lương chú trọng thực hiện và đạt được kết quả cao trong những năm qua. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giải quyết việc làm theo hướng bền vững trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, gia đình chị Lưu Thị Lương, xóm Thống Nhất 4, xã Vô Tranh đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, gia đình chị Lưu Thị Lương, xóm Thống Nhất 4, xã Vô Tranh đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Thu nhập chính của hộ chị Lưu Thị Lương, xóm Thống Nhất 4, xã Vô Tranh là từ hoạt động sản xuất và kinh doanh chè. Trước đây, gia đình chị chủ yếu làm chè theo phương pháp thủ công, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm chè không cao, giá bán ra chỉ đạt khoảng 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Kể từ sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề chế biến chè vào năm 2016, gia đình chị đã mạnh dạn áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhờ đó, giá trị sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.

Chị Lưu Thị Lương cho biết: Tham gia lớp học nghề này, tôi đã được hướng dẫn những kiến thức về kỹ thuật làm đất; chọn giống chè năng suất cao phù hợp với điều kiện đất đai; thu hái, chế biến và bảo quản chè đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ những kiến thức đã học, tôi đã thay đổi quy trình làm chè tại gia đình, đơn cử như là bón phân hữu cơ, phun thuốc sinh học đảm bảo thời gian quy định; sử dụng tôn quay và máy vò Inox để chế biến chè… Nhờ đó, sản phẩm chè sau khi sao đã thơm ngon và có chất lượng tốt hơn. Hiện nay, năng suất trung bình mỗi lứa chè đạt 1,7 - 2 tạ chè búp khô, giá bán ra đạt 150 đến trên 200 nghìn đồng/kg. Tính ra, lợi nhuận từ việc bán chè dao động đạt từ 80-90 triệu đồng/năm (tăng khoảng 30 triệu đồng so với năm 2015).

Hộ chị Lưu Thị Lương là một trong rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã được tham gia các lớp đào tạo nghề. Theo ông Trần Xuân Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh: Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ngay từ đầu năm, chúng tôi đều tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của nhân dân để xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học với ngành nghề phù hợp với thế mạnh kinh tế của địa phương. Từ năm 2015 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức được 6 lớp dạy nghề cho 185 người, trong đó chủ yếu là nghề chế biến chè. Phần lớn học viên sau khi hoàn thành khóa học đều đã có việc làm theo đúng ngành nghề đã học.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, hội, đoàn thể phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho hơn 4,3 nghìn lao động nông thôn, trong đó có tới 80% số lao động đã có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Với lĩnh vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, đi liền với công tác đào tạo nghề, những năm qua, huyện còn chỉ đạo các phòng chuyên môn quan tâm xây dựng các dự án, mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với dạy nghề để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã phối hợp triển khai thực hiện được trên 70 mô hình, chương trình hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Qua đó đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, sản xuất của người dân, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn và học sinh THPT. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhà trường tổ chức tuyên truyền lồng nghép các chính sách Nhà nước về đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm… Không chỉ vậy, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức nhiều sàn giao dịch lưu động, ngày hội việc làm để giới thiệu lao động đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu lao động. Riêng năm 2020, toàn huyện đã tổ chức được 13 sàn giao dịch lưu động và 1 ngày hội việc làm cấp huyện, với gần 3 nghìn lao động được tư vấn.

Bằng những giải pháp đồng bộ trên, hàng năm, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyện luôn đạt kết quả cao và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2,2 nghìn lao động (vượt 22% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra). Nhân dân có việc làm ổn định đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống kinh tế của gia đình, tăng thu nhập. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,45%.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đặt ra chỉ tiêu tạo việc làm mới bình quân hàng năm đạt 1,6 nghìn lao động trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, theo bà Đặng Thị Thương, Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện: Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức đa dạng để cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết về chính sách của Nhà nước về giải quyết việc làm và giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Ngoài ra, Phòng cũng sẽ tăng cường phối hợp với các phòng chuyên môn khác nhằm triển khai lồng ghép công tác giải quyết việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác…

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/no-luc-giai-quyet-viec-lam-o-phu-luong-281686-108.html