Nỗ lực giải quyết vấn đề Myanmar, duy trì tính toàn vẹn của ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong vấn đề Myanmar song với nỗ lực phấn đấu theo những giá trị cốt lõi làm nên thành công của Hiệp hội trong suốt hơn nửa thể kỷ qua, tin rằng ASEAN sẽ góp phần thiết thực tìm ra một giải pháp khả thi và bền vững cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar hiện nay.

Tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng Myanmar

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 27-10 đã có họp phiên đặc biệt tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta của Indonesia bàn về nhiều vấn đề quan trọng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia - Chủ tịch ASEAN 2022 Prak Sokhonn. Trong đó, nội dung chính của cuộc họp là công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 40-41 và các cấp cao liên quan tổ chức tại Campuchia vào đầu tháng 11-2022, tiến độ triển khai Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar và một số vấn đề khác.

Phiên họp đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta ngày 27-10 trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có xử lý cuộc khủng hoảng Myanmar

Phiên họp đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Jakarta ngày 27-10 trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có xử lý cuộc khủng hoảng Myanmar

Về vấn đề Myanmar đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của không chỉ khu vực và quốc tế, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN tham dự cuộc họp cùng chia sẻ đánh giá của Chủ tịch Hội nghị rằng, tình hình Myanmar hiện còn rất phức tạp, bất ổn định kéo dài, đời sống người dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đó, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN nhấn mạnh, Hiệp hội cần tỏ rõ trách nhiệm, đoàn kết, sẻ chia hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay.

Có thể nói, sau cuộc chính biến hồi đầu tháng 2-2021, vấn đề Myanmar luôn là một mối quan tâm hàng đầu của ASEAN. Nằm trong khu vực Đông Nam Á và là một thành viên của ASEAN, sự ổn định của Myanmar có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chung của cả khu vực cũng như sự hợp tác trong Hiệp hội cũng như giữa các thành viên với nhau.

Trong gần 2 năm qua, các thành viên ASEAN đã có những nỗ lực liên tục nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar. Các thành viên ASEAN cùng chia sẻ lập trường chung, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN, ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình ở Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt diễn ra ngày 24-4-2021 tại Jakarta nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar kể từ sau sự kiện chính biến, 9 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã cùng đạt được Đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Nội dung chính của Đồng thuận gồm: Yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; Tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình theo nguyện vọng của người dân; Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN; Cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA); và đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, sau 18 tháng thực thi Đồng thuận 5 điểm, các quốc gia thành viên ASEAN cho rằng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Trong đó, tình hình bạo lực, giao tranh vẫn diễn biến phức tạp ở Myanmar, đặc phái viên ASEAN chưa thể gặp gỡ tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề… Trước thực trạng đó, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2022 đã quyết định không mời đại diện chính quyền quân sự Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40 và 41 sắp tới tại Campuchia.

Mong muốn Myanmar sớm ổn định, tiếp tục là thành viên ASEAN

Thời gian qua, đã có những ý kiến, quan điểm khác nhau về việc giải quyết vấn đề Myanmar. Trong đó có những ý kiến cho rằng cần có “động thái” mạnh với chính quyền hiện nay ở Myanmar. Có ý tưởng liên quan đến việc hạ cấp đại diện của Myanmar tại tất cả các cuộc họp cấp Bộ trưởng của ASEAN. Hiện tại, các đại diện của Myanmar vẫn có thể tham dự một số cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hiệp hội. Cũng có những ý kiến mạnh hơn liên quan tới vai trò thành viên của Myanmar trong ASEAN…

Tại phiên họp phiên đặc biệt diễn ra ngày 27-10, đại diện các thành viên ASEAN trao đổi về tình hình tương lai của Myanmar trong ASEAN cũng như đánh giá về Đồng thuận 5 điểm. Có ý kiến nêu về việc viện dẫn Điều 7 của Hiến chương ASEAN để chuẩn bị những lập trường và biện pháp chung cho các nhà lãnh đạo nhằm quyết định biện pháp nào phù hợp với Myanmar do không thực hiện Đồng thuận 5 điểm.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, kiểm điểm các hoạt động, các thành viên ASEAN tham dự phiên họp nhất trí với đánh giá rằng, Myanmar tiếp tục là thành viên của ASEAN, Đồng thuận 5 điểm còn nguyên giá trị, ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện Đồng thuận này cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng nhất trí sẽ trao đổi thêm các biện pháp cụ thể để hỗ trợ Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính toàn vẹn của ASEAN, là kết quả đạt được trong nhiều thập kỷ phấn đấu của các nước thành viên. Đại sứ Vũ Hồ cũng khẳng định, ASEAN cần duy trì các nguyên tắc của khối, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trên cơ sở đó, tiếp cận vấn đề Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cần là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều tiết các nỗ lực quốc tế hỗ trợ Myanmar trở lại bình thường.

Quan điểm nhất quán, trách nhiệm và xây dựng của Việt Nam trong vấn đề Myanmar được ghi nhận, đánh giá tích cực. Theo đó, là nước láng giềng và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar, tiếp tục đóng góp xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm, Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia và các nước thành viên ASEAN khác thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của ASEAN.

Tại phiên họp đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đại diện các thành viên Hiệp hội đã cùng nhất trí xây dựng danh mục các khuyến nghị về vấn đề Myanmar trình lãnh đạo cấp cao ASEAN xem xét và quyết định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 diễn ra đầu tháng 11 tới tại Campuchia, quốc gia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/no-luc-giai-quyet-van-de-myanmar-duy-tri-tinh-toan-ven-cua-asean-post521327.antd