Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại Kiên Giang

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho biết năm học 2018-2019, toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó bậc học Mầm non chiếm khoảng 60 - 70%.

Nếu so với nhu cầu thực tế, bố trí giáo viên đứng lớp đúng theo quy định, tăng số học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày và huy động hết số trẻ Mầm non trong độ tuổi ra lớp, tỉnh còn thiếu khoảng 1.500 giáo viên.

Giờ học các cháu mẫu giáo Trường mẫu giáo xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Khắc phục tình trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang quán triệt quan điểm dù khó khăn nhưng phải tiếp nhận hết học sinh trong độ tuổi đến trường và từng bước tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, xem xét hợp đồng giảng dạy với sinh viên ra trường trong điều kiện ngân sách cho phép, phù hợp nhất; ưu tiên biên chế cho bậc mầm non và tiểu học. Cùng với đó, tỉnh rà soát, sắp xếp lại các điểm trường lẻ, xóa những điểm lẻ gần điểm trường học chính; tăng quy mô học sinh mỗi lớp; giáo viên tăng tiết dạy để giải quyết phần nào vấn đề thiếu giáo viên.

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, những năm học gần đây tỉnh đã thiếu giáo viên nhưng không được bổ sung, trong khi đó ngành vẫn phải thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế từng năm. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cần thêm 543 giáo viên cho các cấp học nhưng chỉ được bổ sung 53 biên chế trong khi phải tinh giản 356 biên chế theo kế hoạch năm 2016. Năm học 2017 - 2018, tỉnh cần thêm 709 biên chế nhưng không được bổ sung và tiếp tục tinh giản 241 biên chế theo kế hoạch năm. Đến năm học 2017 - 2018, tỉnh thiếu 906 giáo viên so với quy mô học sinh nhưng vẫn không được bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang cho biết thêm: Trước đây, Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới thực hiện được; việc phê duyệt này rất chậm. Ngành Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang từ năm 2016 đến nay chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh Kiên Giang đề nghị rất nhiều lần với Bộ Nội vụ, tỉnh tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương, mặc dù đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/no-luc-giai-quyet-tinh-trang-thieu-giao-vien-tai-kien-giang-20181113143723993.htm