Nỗ lực giải quyết các bất ổn kinh tế của Thụy Sĩ

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) tuyên bố, việc sáp nhập 2 ngân hàng lớn nhất nước này là một nỗ lực giải cứu những bất ổn, bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ, cũng như toàn cầu.

Cuộc họp báo thông tin về thương vụ sáp nhập Credit Suisse vào UBS diễn ra tại Thụy Sĩ cuối tuần trước. Ảnh: BLOOMBERG.

Cuộc họp báo thông tin về thương vụ sáp nhập Credit Suisse vào UBS diễn ra tại Thụy Sĩ cuối tuần trước. Ảnh: BLOOMBERG.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS cuối tuần trước đã đạt thỏa thuận mua lại đối thủ của mình là ngân hàng Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Đồng nghĩa với đó là sự chấm dứt của ngân hàng có tuổi thọ 167 năm, vốn từng là đối thủ trực tiếp của các “gã khổng lồ” thế giới với vốn hóa có lúc đạt gần 100 tỷ USD.

Chia sẻ với truyền thông quốc tế, Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết, việc tiếp quản Credit Suisse là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Bởi lẽ, cuộc khủng hoảng của ngân hàng Credit Suisse là một “đòn giáng” mạnh tới nền kinh tế Thụy Sĩ - quốc gia có tới 243 ngân hàng và 24 chi nhánh nhà băng quốc tế.

Theo giới chuyên gia kinh tế quốc tế, sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ chủ yếu phụ thuộc vào ngành tài chính. Tổng giá trị tài sản của UBS và Credit Suisse gần gấp đôi GDP của Thụy Sĩ. Trong quá khứ, ngân hàng Credit Suisse từng có tổng tài sản hơn 1.000 tỷ USD nhưng đã sụt giảm còn khoảng 580 tỷ USD, tương đương một nửa tổng giá trị tài sản của UBS.

Tuy nhiên, sự thất bại triền miên xuất phát từ sự tự tin thái quá khi là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Những sai lầm tiếp nối thậm chí đưa ngân hàng này rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Mặt khác, thời gian gần đây, vụ sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank được xem đã “giáng đòn” chí tử đối với niềm tin của nhà đầu tư vào Credit Suisse. Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann bày tỏ, bất ổn định tài chính ở Mỹ đã khiến ngân hàng Thụy Sĩ gặp thêm nhiều khó khăn trong bối cảnh không thể tệ hơn.

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế dẫn phân tích từ giới chuyên gia chỉ ra rằng, ngay cả trong những năm tháng phát triển rực rỡ nhất, trong nhiều thập kỷ, Credit Suisse vẫn gieo mầm những sai lầm để dẫn tới sự sụp đổ vào ngày nay.

Dù có nhiều tranh cãi xoay quanh việc Credit Suisse sụp đổ, song, thực tế cho thấy, từ một gã khổng lồ của thế giới phải đến “bước đường cùng” như hiện nay là một minh chứng rõ nét cho thấy “vết trượt dài” yếu kém trong điều hành của ngân hàng này. Mặt khác, các giải pháp thương mại cứu vãn Credit Suisse hầu như không còn tác dụng.

Cũng trong lời tuyên bố của Chủ tịch UBS Colm Kelleher, việc mua lại Credit Suisse là vấn đề sống còn đối với cấu trúc tài chính của Thụy Sĩ và đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, việc UBS mua lại Credit Suisse cũng phải có sự hỗ trợ rất lớn của ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ với cam kết trợ cấp một khoản vay lên đến 108 tỷ USD. Sự hậu thuẫn cho thương vụ này nhằm giảm bớt rủi ro cho UBS.

Ngay sau khi thỏa thuận UBS mua lại Credit Suisse được nhất trí, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã ra một tuyên bố chung hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này. Tuyên bố có đoạn nhấn mạnh, Mỹ sẽ hỗ trợ các biện pháp của Thụy Sĩ.

Theo giới phân tích kinh tế quốc tế, việc sụp đổ ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ có ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn rất nhiều so với việc sụp đổ ngân hàng ở Mỹ. Ngân hàng Credit Suisse cũng có mối ràng buộc trên khắp thế giới cùng nhiều chi nhánh ở khắp các quốc gia. Điều này khiến chính quyền Thụy Sĩ phải vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát tình hình, ngăn chặn một cuộc suy thoái trầm trọng.

Vì vậy, áp lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn là động lực thúc đẩy việc sáp nhập ngân hàng Credit Suisse vào ngân hàng UBS. Việc đưa hai ngân hàng đối thủ lớn nhất Thụy Sĩ gộp thành một không phải việc dễ dàng và kết quả này đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hệ thống.

Ở góc độ khác, Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ thừa nhận, việc sáp nhập Credit Suisse vào UBS là cách duy nhất để bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu. Dẫu vậy, cách này cũng là khoản “đặt cược” đầy rủi ro vì khiến nền kinh tế Thụy Sĩ chỉ còn phụ thuộc vào một ngân hàng.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-giai-quyet-cac-bat-on-kinh-te-cua-thuy-si-post459795.html