Nỗ lực giải quyết bất đồng về trung chuyển khí đốt

Vòng đàm phán về vấn đề trung chuyển khí đốt từ Nga qua U-crai-na sang châu Âu diễn ra mới đây, song các bên chưa tìm được tiếng nói chung về việc gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 tới. Tình trạng này làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong mùa đông.

Cuộc họp giữa Nga, U-crai-na và EU về vấn đề trung chuyển khí đốt. Ảnh EURACTIV.COM

Cuộc họp giữa Nga, U-crai-na và EU về vấn đề trung chuyển khí đốt. Ảnh EURACTIV.COM

Vòng đàm phán về vấn đề trung chuyển khí đốt từ Nga qua U-crai-na sang châu Âu diễn ra mới đây, song các bên chưa tìm được tiếng nói chung về việc gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 tới. Tình trạng này làm gia tăng lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong mùa đông.

Vấn đề gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt và việc Nga cung cấp khí đốt trực tiếp cho U-crai-na là những chủ đề chính trên bàn đàm phán ba bên giữa Nga, U-crai-na và Liên hiệp châu Âu (EU). Tổng thống Nga V.Pu-tin khẳng định, các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho rằng, đối với châu Âu, việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt nêu trên liên quan mật thiết vấn đề an ninh năng lượng của khu vực, bởi một khối lượng lớn khí đốt Nga xuất khẩu sang thị trường châu Âu được vận chuyển qua hệ thống đường ống dẫn trên lãnh thổ U-crai-na. Năm 2018, Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cung cấp cho châu Âu hơn 200 tỷ mét khối khí đốt, trong đó 87 tỷ mét khối trung chuyển qua U-crai-na. Vì vậy, bất cứ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc bảo đảm khí đốt để sưởi ấm và vận hành các ngành công nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề năng lượng thống nhất M.Xếp-cô-vích kêu gọi các bên nhận thức tính cấp bách của vấn đề, bởi hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và U-crai-na sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới. Đại diện EU lo ngại, nếu không có một hợp đồng mới, tình trạng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung khí đốt cho châu Âu giữa mùa đông lạnh giá có thể tái diễn.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc ký hợp đồng mới gặp khó khăn do tồn tại nhiều bất đồng khó giải quyết giữa hai nước, như cuộc xung đột ở miền đông U-crai-na, tranh chấp pháp lý giữa Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Công ty năng lượng quốc gia Naftogaz của U-crai-na... Bên cạnh đó, các bên cũng chưa thống nhất được vấn đề liên quan thời hạn hợp đồng. U-crai-na muốn bảo đảm duy trì vai trò là tuyến trung chuyển khí đốt chính của Nga sang châu Âu. Năm 2018, hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga giúp Ki-ép thu về khoảng ba tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ, trong bối cảnh U-crai-na đang gánh chịu nhiều thiệt hại do cuộc xung đột ở miền đông. Do vậy, Ki-ép đặt mục tiêu ký một hợp đồng dài hạn với Nga, thay vì gia hạn hợp đồng thêm một năm.

Trong khi đó, mới đây, Nga chỉ đề nghị gia hạn hợp đồng với Ki-ép thêm một năm. Mát-xcơ-va đang tìm cách tăng cường khả năng vận chuyển khí đốt tới châu Âu thông qua các con đường khác. Để bảo đảm đường vận chuyển khí đốt cho thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu, Nga đã triển khai xây dựng các dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hoàn thành, các đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hằng năm có thể vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga tới châu Âu, mà không đi qua lãnh thổ U-crai-na. Dự án hứa hẹn bảo đảm nguồn cung khí đốt từ Nga được thông suốt, mà không phụ thuộc tình trạng quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Ki-ép. Theo Giám đốc điều hành Gazprom A.Mi-lơ, dự án có thể hoàn thành đúng hạn và vận hành vào cuối năm nay.

Những bất đồng nêu trên giữa Nga và U-crai-na khiến các cuộc đàm phán trong thời gian qua liên quan việc ký hợp đồng trung chuyển khí đốt gặp nhiều trở ngại. Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Nô-vác cho biết, các cuộc tham vấn ba bên sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tháng 11, chỉ một tháng trước khi hợp đồng hiện nay hết hiệu lực. Theo Phó Chủ tịch EC phụ trách vấn đề năng lượng thống nhất M.Xếp-cô-vích, nếu không đạt được một giải pháp toàn diện trước thời hạn chót, các bên có thể chuyển hướng tìm kiếm một phương án ngắn hạn, áp dụng từ ngày 1-1-2020, trước khi tiếp tục tìm kiếm một giải pháp dài hạn. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù các bên đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng tiếp tục đàm phán, song các cuộc thương lượng sắp tới dự kiến gặp nhiều khó khăn do tính phức tạp chung quanh vấn đề vận chuyển khí đốt giữa Nga và U-crai-na.

MẪN LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/42333402-no-luc-giai-quyet-bat-dong-ve-trung-chuyen-khi-dot.html