Nỗ lực giải bài toán ùn ứ giao thông

Qua những ý kiến tham vấn, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Đà Nẵng sẽ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả, đảm bảo về kỹ thuật, cũng như kiến trúc cảnh quan tại khu vực để hoàn thiện hạ tầng giao thông của Đà Nẵng.

Ùn ứ giờ cao điểm

Kể từ sau khi hình thành 2 cây cầu nổi tiếng là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, Đà Nẵng đã giải quyết cơ bản được hạ tầng giao thông kết nối 2 bờ Đông - Tây sông Hàn. Cùng với đó, 2 cây cầu này cũng tạo được điểm nhấn trong không gian du lịch, mỹ quan đô thị của Đà Nẵng. Có thể nói, đây là nỗ lực lớn của chính quyền TP. Đà Nẵng trong việc từng bước nâng cao hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông đô thị.

Cuối giờ chiều, muốn qua được nút giao thông phía Tây cầu Rồng, người tham gia giao thông phải mất ít nhất 2-3 nhịp đèn tín hiệu mới qua được

Tuy nhiên, cũng từ khi hình thành các nút giao thông tại 2 điểm đầu cầu phía Tây đã phát sinh tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm; phân luồng giao thông tại các điểm giao trở nên lộn xộn, phức tạp, thậm chí có trường hợp bị tai nạn giao thông tại các “nút thắt” này. Những yếu tố trên đã gây bức xúc trong dư luận cũng như đối với người dân thành phố.

Tại điểm phía Tây cầu Rồng, một số giải pháp về phân luồng giao thông đã được đưa ra, nhằm điều tiết giao thông tại đây phù hợp hơn, thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông. Song các giải pháp đưa ra trong thời gian qua, cho đến nay chưa phù hợp với tình hình thực tế. Với lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn vào các giờ cao điểm, khiến nút giao thông này có thời gian trở nên tê liệt vì ùn ứ, tắc nghẽn liên tục…

Tìm giải pháp tối ưu

Trước thực tế này, chính quyền Đà Nẵng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tìm giải pháp tối ưu để hoàn thiện các nút giao thông tại các điểm giao phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Với chủ trương này, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng vừa phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng tổ chức hội thảo tìm giải pháp thiết kế tổ chức giao thông nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý.

Tạo nút giao thông phía Tây cầu Rồng, trong quá trình khảo sát các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu đưa ra 2 nhóm phương án. Phương án xây dựng 1 hầm cộng Nút tín hiệu giao thông và phương án xây dựng 2 hầm đơn riêng biệt.

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, đơn vị tư vấn kiến nghị chọn 2 hầm đơn gồm 1 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2 Tháng 9 và 1 hầm nối liền Bạch Đằng nối dài - đường 2 Tháng 9 đến Bạch Đằng. Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110-135m; bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng theo phương án dự kiến khoảng 350 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, quan điểm thiết kế tổ chức giao thông tại đây là hạn chế tối đa thay đổi cảnh quan khu vực. Đặc biệt, khu vực Cổ viện Chàm và cầu Rồng. Đảm bảo tổ chức giao thông cho cả cụm nút gồm 2 nút Nguyễn Văn Linh – Trần Phú – Trưng Nữ Vương và Nguyễn Văn Linh – Bạch Đằng – 2 Tháng 9, hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận, dẫn tới hình thành các điểm xung đột ùn tắc mới.

Hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, thu hẹp dòng chảy của sông Hàn, các ảnh hưởng chấn động đến công trình Cổ viện Chàm trong quá trình thi công và khai thác; phù hợp với hiện trạng quy hoạch khu vực, đảm bảo tích hợp tốt với quy hoạch hệ thông giao thông công cộng và có giá thành hợp lý.

Ông Đặng Hoàng Hiệp, Trưởng phòng thiết kế đường - Trung tâm tư vấn quốc tế Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải nhận định, phương án hai hầm chui tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng sẽ giải quyết được hiệu quả vấn đề ùn tắc giao thông của Đà Nẵng.

Đối với nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý được đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án tổ chức nút giao khác mức 3 tầng gồm: Hầm chui bắt đầu từ Bộ chỉ huy Quân khu 5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua 2 Tháng 9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2 Tháng 9. Phương án này có kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.

Theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, nút giao cầu Trần Thị Lý làm nút giao thông khác mức 3 tầng là hợp lý. Nhưng cũng cần xem lại là làm ngay hay phân kỳ đầu tư. Còn ông Đặng Hoàng Hiệp cho rằng, việc cải tạo nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý cần xem xét phân kỳ đầu tư. Giai đoạn một làm hầm, giai đoạn 2 mới xem xét làm cầu. Việc đầu tư hầm rất cần thiết vì lưu lượng phương tiện trên đường Duy Tân trong tương lai lớn; còn cầu vượt thì cần xem xét vì ảnh hưởng đến cảnh quan.

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cho chủ trương cải tạo hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý để giải quyết ùn tắc giao thông ở thời điểm hiện tại và cho giai đoạn tương lai.

Qua những ý kiến tham vấn, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Đà Nẵng sẽ lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả, đảm bảo về kỹ thuật, cũng như kiến trúc cảnh quan tại khu vực để hoàn thiện hạ tầng giao thông của Đà Nẵng.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/no-luc-giai-bai-toan-un-u-giao-thong-76642.html