Nỗ lực ghi danh áo dài Việt

Bộ VHTT&DL đang tổ chức nhiều hoạt động hướng tới công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Có khả thi

Từ lâu, áo dài Việt Nam là trang phục truyền thống nằm trong tâm thức của người Việt. Đến nay, dù chưa có văn bản chính thức nào công nhận áo dài là quốc phục nhưng được đa số người dân mặc định áo dài là trang phục dân tộc, trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới, phần lớn người đẹp Việt dự thi đều chọn áo dài làm trang phục truyền thống. Thậm chí, cùng với phở, áo dài Việt Nam còn xuất hiện trong từ điển tiếng Anh với tên gọi nguyên gốc, chứng tỏ sự biểu trưng mạnh mẽ cho vẻ đẹp mang tính dân tộc của loại trang phục truyền thống này.

 Trình diễn áo dài truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn

Trình diễn áo dài truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn

Suốt chiều dài lịch sử, đến nay, áo dài vẫn có một sức sống mãnh liệt. Ở những sự kiện trọng đại, phụ nữ hay đàn ông đều có thể mặc áo dài. Trang phục này còn đi vào điện ảnh và những sản phẩm văn hóa truyền thống. Ngày nay, áo dài được cách tân, trở thành trang phục hiện đại. Giới trẻ tự tìm tòi, khôi phục áo dài truyền thống như trường hợp của chị Mai Lan – chủ tiệm may áo dài Tú Thị.

Bên cạnh tính phổ biến của áo dài, vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa cũng như tập quán sử dụng. “Không phải ai cũng biết tường tận về nguồn gốc, những biến đổi của trang phục áo dài cùng quá trình hình thành và nét văn hóa đặc sắc, mang tính biểu tượng cho trang phục Việt Nam” – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Để có thể vinh danh áo dài là DSVHPVT quốc gia, tiến tới được xếp vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Bộ VHTT&DL, cơ quan chức năng cần nhận diện, đánh giá đầy đủ về những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, có khả thi để đưa áo dài thành DSVHPVT quốc gia nhưng cần có thời gian.

Giải bài toán trong việc xây dựng hồ sơ

Tại hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán và giá trị bản sắc”, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (một trong 12 thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ của UNESCO nhiệm kỳ 2017 – 2020) chia sẻ: “Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO trong danh sách DSVHPVT của nhân loại phải tuân thủ theo các điều khoản của Công ước 2003”. Sẽ còn nhiều thách thức khi lập hồ sơ, đơn cử như tên gọi là “Áo dài của Việt Nam” hay” Áo dài của người Việt” không thể hiện là DSVHPVT mà là hiện vật, sản phẩm, trang phục.

Theo định nghĩa của Công ước, DSVHPVT là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng. Do vậy, những di sản bản thân là vật thể, vật chất, hiện vật như trang phục, vải, tranh dân gian, đồ gốm, hàng thủ công khác thì các hồ sơ thường có tên gọi gợi mở, liên quan đến khía cạnh phi vật thể, chẳng hạn “nghệ thuật”, “tập quán”, “văn hóa”.

Bà Hiền đề xuất một số tên liên quan như: “Văn hóa mặc Áo dài của Việt Nam/của người Việt; “Tập quán mặc Áo dài của Việt Nam/của người Việt”; Trang phục Áo dài của Việt Nam/của người Việt: Tập quán và bản sắc, biểu tượng văn hóa”.

Các nhà nghiên cứu nhìn nhận: Trang phục truyền thống áo dài phản ánh rất rõ bản sắc văn hóa dân tộc, song để nhận diện chính xác khía cạnh DSVHPVT cần được các cộng đồng công nhận đó là một phần di sản văn hóa của họ cũng như chứng minh được biểu hiện văn hóa này thuộc các tập quán, hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kĩ năng - kèm theo đó là các công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan, được cộng đồng không ngừng trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác với ý thức về bản sắc, sự kế tục.

Có như thế, chúng ta mới thực hiện được việc nhận diện DSVHPVT liên quan đến áo dài Việt Nam và thành công trong việc xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục quốc gia, tiến tới đệ trình UNESCO ghi danh.

"Xây dựng hồ sơ trình UNESCO không đơn thuần gọi là “Áo dài của Việt Nam” hay “Áo dài của người Việt” như chúng ta vẫn quen gọi, mà phải là lĩnh vực liên quan đến áo dài gắn với văn hóa phi vật thể theo định nghĩa của Công ước 2003." - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền

Tối 28/6, 1.000 bộ sưu tập của 21 nhà thiết kế đã được trình diễn trong chương trình "Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài sự tham gia của các tên tuổi nhà thiết kế, nghệ sĩ nổi tiếng, điểm đặc biệt của chương trình là các mẫu áo dài được lấy cảm hứng từ các di sản Việt như: Vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/no-luc-ghi-danh-ao-dai-viet-388524.html