Nỗ lực đưa ca trù thoát khỏi bảo vệ khẩn cấp

Liên hoan ca trù toàn quốc 2018 vừa được khai mạc tại Hà Tĩnh, đúng dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh Nguyễn Công Trứ - người có đóng góp lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật hát ca trù.

Liên hoan ca trù lần này chủ yếu là thế hệ kế cận.

Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ, một vị quan có tài “kinh bang tế thế” nhưng ông cũng nổi tiếng là người đam mê với nghệ thuật ca trù. Trong sự phát triển ca trù Cổ Đạm – Nghi Xuân (Hà Tĩnh), công lao của Nguyễn Công Trứ được ghi nhận ở phương diện thưởng thức và sáng tác. Chính vì thế, liên hoan lần này quy định, ngoài các tiết mục tự chọn mang phong cách độc đáo của mỗi vùng miền, các đoàn nghệ thuật đều phải biểu diễn 1 tác phẩm do Nguyễn Công Trứ sáng tác. Phần còn lại của chương trình bắt buộc, các đơn vị dự thi có thể tự chọn những tiết mục, thể cách, bài bản mang phong cách vùng miền thể hiện nét đặc trưng độc đáo của địa phương.

Ngoài ra, Liên hoan còn có phần thi mang tên “tài năng ca trù” 2018 dành cho các đối tượng là quan viên, đào nương và kép đàn. Với các đào nương sẽ có phần bốc thăm và trình bày 2/8 thể cách/ bài do Ban tổ chức quy định. Mỗi đào nương được bốc thăm 3 lần và được quyền lựa chọn 2/3 thể cách đã bốc thăm để trình diễn. Các kép đàn dự thi phần “tài năng ca trù” phải trình diễn liên hoàn 3 khổ đàn, đệm cho một bài hát nói và đệm cho 1/3 điệu ngâm xướng tự do. Trong khi đó, với các quan viên dự thi phải trình diễn đủ 5 khổ trống: chính diện, xuyên tâm, lạc nhạc, quán châu, thượng mã kèm theo giới thiệu vị trí của các khổ trống trong bài hát, cách đánh các khổ trống đó trước khi trình diễn và sẽ cầm chầu cho 1 bài hát nói của Nguyễn Công Trứ.

Liên hoan có 88 tiết mục sẽ được hơn 300 nghệ nhân, diễn viên thể hiện của các đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành có di sản ca trù: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TPHCM.

Khác với những đợt Liên hoan trước, tham gia Liên hoan ca trù lần này hoàn toàn là thế hệ kế cận, trong đó có nhiều người trẻ (từ 15 tuổi), “vắng bóng” các nghệ nhân do phần lớn họ đã qua đời hoặc tuổi cao, không còn đủ sức khỏe để tham gia. Sự tham gia đông đảo của lớp đào nương mới cho thấy sức sống của ca trù trong xã hội đương đại. Đây là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về di sản văn hóa ca trù cũng như khuyến khích, động viên sự tham gia của những người đam mê loại hình nghệ thuật này.

Sau đêm khai mạc, trong các ngày 2 - 4/11, các đoàn nghệ thuật, CLB sẽ lần lượt trình bày phần thi của mình. Các tác phẩm xuất sắc sẽ được biểu diễn trong đêm trao giải 5/11.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/no-luc-dua-ca-tru-thoat-khoi-bao-ve-khan-cap-tintuc421670