Nỗ lực để thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào trên thế giới. Đối với Việt Nam, miền Trung-Tây Nguyên là khu vực dễ bị tổn thương do BĐKH; phương châm 'thích ứng và giảm nhẹ' đang được các tỉnh, thành phố trong khu vực tích cực triển khai và trên thực tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, thời tiết ở Tây Nguyên ngày càng bất thường và cực đoan. Có những lúc mưa dồn dập, lũ lụt, lốc xoáy gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Nhưng cũng có lúc hạn hán kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, càng ở vùng sâu, vùng xa thì càng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.

Sạt lở ở Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại Lâm Đồng, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thất nặng nề nhất do BĐKH. Sự thay đổi lượng mưa vào mùa khô, mưa trái mùa gây giảm năng suất, chất lượng của một số cây công nghiệp chủ lực như: Chè, cà phê... và sự gia tăng nhiệt độ làm hoa màu ôn đới ở những vùng chuyên canh hoa màu như tại TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương… bị suy giảm nghiêm trọng chất lượng và năng suất. Đặc biệt, với lĩnh vực du lịch, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của BĐKH nên ngay cả TP Đà Lạt nhiều lúc thời tiết cũng trở nên oi bức, khó chịu. Mùa mưa có lượng mưa nhiều hơn, thời điểm mưa cũng thay đổi, mùa khô thì càng khô hạn kéo dài. Cùng với lo ngại đó, nhiều người dân làm rẫy ở Gia Lai đang khốn đốn với BĐKH, ông Nguyễn Văn Trình, trú tại thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, người có nhiều năm trồng cà phê trên địa bàn cho biết, do thời tiết ngày càng nóng lên, nước tưới cho cây trồng đang là một thách thức lớn với người dân làm nương rẫy. "Đến mùa khô, hạn hán kéo dài, các nguồn nước như: Suối, hồ, nước giếng... đều cạn kiệt, chúng tôi bất lực nhìn cây trồng của mình khô héo"-ông Trình chia sẻ.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam phải đối mặt với sạt lở các vùng ven biển, trong đó nặng nhất là Cửa Đại thuộc TP Hội An và Cửa Lở thuộc xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành. Sạt lở bờ biển không chỉ uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân mà việc bồi lắng ở các cửa sông cũng đã khiến cho hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân không thể ra khơi. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Không thể ứng phó một cách đơn lẻ

Mới đây, tại Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu vấn đề, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH nên đã chủ động và tích cực xây dựng “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (viết tắt là INDC) và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH vào tháng 9-2015. Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Lực lượng chức năng chống sạt lở ở Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Những tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng hiện rõ và trở thành thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và ngay từ ngày 28-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2053/QĐ-TTg "về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH". Thế nhưng đến nay, trong số 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, chỉ mới có 6 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa phương mình là: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đây được xem là một sự chậm trễ đáng tiếc, vì để ứng phó với BĐKH thành công cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành và địa phương. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, BĐKH là vấn đề nóng của toàn cầu, vì vậy mỗi địa phương không thể thực hiện việc triển khai ứng phó một cách đơn lẻ. Để thích ứng và giảm nhẹ BĐKH, đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với BĐKH cho Quảng Nam nói riêng cũng như trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.

Bài và ảnh: NGUYỄN SƠN - NGỌC PHÚC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/no-luc-de-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-516446