Nỗ lực để người di cư không bị bỏ rơi

Mạng lưới hành động vì lao động di cư, Viện Phát triển sức khỏe ánh sáng, Trung tâm Phát triển và hội nhập phối hợp UBND huyện Đông Anh vừa tổ chức Tổng kết dự án 'Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người di cư vào quá trình phân tích và giám sát ngân sách y tế tại một số xã địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội)'.

Người lao động di cư gặp nhiều khó khăn khi tham gia các dịch vụ y tế công tại nơi tạm trú do họ thường xuyên di chuyển và không lưu trú lâu dài tại các khu đô thị. Có nhiều cơ hội việc làm cho người di cư nhưng phần lớn dành cho nhóm phi chính thức, đi kèm với các nguy cơ và rủi ro.

Người di cư chịu nhiều thiệt thòi.

Người di cư chịu nhiều thiệt thòi.

Sức khỏe của người di cư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện sống và làm việc với điều kiện nhà ở chật chội và mất vệ sinh,các bữa ăn nghèo nàn, thiếu an toàn vệ sinh và sức khỏe lao động. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến việc giảm sút sức khỏe của người lao động.

Chính vì vậy, người di cư, đặc biệt là những người làm trong khu vực phi chính thức có nhu cầu cao về tiếp cận các dịch vụ công nhưng hơn 90% người di cư lại không thể tiếp cận được với các dịch vụ công và các điều trị thích hợp. Điều này khiến cho họ càng thêm khó khăn khi phải trả dịch vụ y tế tư nhân với mức trả tiền túi cao.

Sau 3 năm triển khai Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là người di cư vào quá trình phân tích và gián sát ngân sách y tế tại một số xã địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội)” cho thấy, người dân đặc biệt là người di cư đã nâng cao năng lực, chủ động và tích cực trong tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng và giám sát ngân sách y tế.

So với thời điểm trước khi triển khai dự án, tỷ lệ người dân biết các thông tin kinh tế - xã hội, y tế của các xã đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Tỷ lệ tham gia góp ý, thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội của người dân nói chung và người di cư nói riêng tại xã Hải Bối hiện tại dao động ở mức 40 – 60%, cao hơn kết quả đầu kỳ 9 – 15% người dân và 2 – 3% người di cư tham gia góp ý thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội của địa phương.

Lãnh đạo địa phương đã chủ động tham gia các buổi sinh hoạt nhóm tự lực, chia sẻ thông tin về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự kiến ngân sách của xã và tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân..

Khả năng bố trí ngân sách dành cho y tế địa phương đã có một số thay đổi nhất định. Ngân sách dành cho tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ bản của trạm y tế đã được chú trọng và phê duyệt nhanh và nhiều hơn trước.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/no-luc-de-nguoi-di-cu-khong-bi-bo-roi-d99093.html