Nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu

Đầu xuân mới, tại các KCN - CX trên địa bàn Hà Nội, không khí hăng say lao động rộn ràng khắp các nhà xưởng. Nhiều CNLĐ chia sẻ họ luôn xác định cố gắng làm việc với mong muốn nâng cao thu nhập để hiện thực hóa mục tiêu trong năm mà bản thân đã đề ra.

Vì muốn dành dụm tiền gửi về quê cho gia đình nên hai năm qua, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nghệ An) đang làm việc tại Công ty Sei (KCN Thăng Long) không về quê ăn Tết, năm nay, nhờ tấm vé xe nghĩa tình của tổ chức Công đoàn, chị Hoa mới về quê đón Tết cùng gia đình.

CNLĐ nỗ lực làm việc để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra trong năm.

CNLĐ nỗ lực làm việc để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra trong năm.

Chị Hoa cho biết, bố mẹ chị ở quê chủ yếu làm nông, nhà lại đông con nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế, sau khi học xong cấp 3, chị theo bạn bè ra Hà Nội xin việc làm. Tiền lương hàng tháng, ngoài những khoản chi tiêu cho bản thân, dư dả bao nhiêu chị đều gửi về để phụ giúp bố mẹ.

“Làm trong KCN, công việc và thu nhập của tôi ổn định, chủ doanh nghiệp và Công đoàn cũng thường xuyên quan tâm, đảm bảo về đời sống vật chất tinh thần nên tôi cũng yên tâm làm việc. Năm nay, tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn nữa và tiết kiệm để có một khoản kha khá gửi về giúp bố mẹ sửa lại căn nhà. Đây là mục tiêu lớn nhất trong năm nay của tôi và cũng là động lực để tôi hăng say làm việc ngày từ những ngày đầu năm. Tết vừa rồi, về quê thấy nhà đã xuống cấp, nhiều chỗ còn bị dột, thấy thương bố mẹ và các em nhưng lực bất tòng tâm” – chị Hoa bày tỏ.

Năm mới, ai cũng đặt cho mình những mục tiêu, dự định riêng và có kế hoạch để hoàn thành những mục tiêu đó. Với CNLĐ cũng vậy, họ cũng có những mục tiêu riêng và với họ, có lẽ cách để hoàn thành mục tiêu chính là chăm chỉ, cố gắng làm việc, nâng cao năng suất lao động để tăng thu nhập, có dư dả.

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, nhiều người cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội để họ có thêm động lực cố gắng và bớt đi những nỗi lo, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền.

Đã mơ về một mái nhà từ nhiều năm nay, vợ chồng anh Trần Văn Hoàn (quê Thái Nguyên) đang làm việc tại Công ty Daiwa (KCN Thăng Long) đặt ra mục tiêu cuối năm nay sẽ dồn tất cả các khoản tiết kiệm và vay mượn thêm để làm nhà ở quê.

Có ngôi nhà khang trang cho ông bà và các con ở, có nơi để đi về sẽ khiến vợ chồng anh yên tâm hơn. “Hai vợ chồng tôi đã xuống Hà Nội làm việc gần chục năm nay, mỗi năm, trừ tất cả các khoản chi tiêu, cũng dư được một hai chục triệu đồng.

Được bố mẹ ở quê cho một mảnh đất nên cuối năm nay vợ chồng tôi quyết định sẽ làm nhà. Ở quê, giờ xây một ngôi nhà mái bằng cũng vài ba trăm triệu đồng, chưa kể sắm sửa đồ đạc trong nhà.

Vậy nên, trong năm nay, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm việc ngay từ đầu năm để có thêm chút dư dả, khi cất nhà sẽ không phải vay mượn nhiều” – anh Hoàn chia sẻ.

Năm nay, vợ chồng chị Vũ Thị Hiền (quê Lào Cai) đang làm việc tại Công ty Sumi Hanel (KCN Sài Đồng), quyết định đón con xuống ở cùng và cho con đi học ở đây luôn nên hai anh chị cố gắng phấn đấu làm việc để có thêm chút dư dả lo cho con ăn học.

Chị Hiền cho biết, trước đây vợ chồng chị gửi con ở quê nhờ ông bà nội chăm sóc, nhưng nhiều lúc nhớ con không chịu được, muốn về thăm con mà đường sá xa xôi, đi về lại mất công mất việc và tốn kém nên một năm anh chị chỉ về thăm con một hai lần vào dịp nghỉ lễ, tết. Tết vừa rồi về quê, thấy ông bà cũng đã có tuổi mà con thì cũng đã đến tuổi đi học nên anh chị quyết định đón con xuống Hà Nội để vừa tiện chăm con vừa cho con đi học luôn.

“Khi con ở với ông bà, hàng tháng vợ chồng tôi vẫn gửi tiền về nhờ ông bà chăm nuôi con nhưng khoản tiền không quá nhiều. Quyết định đón con xuống ở cùng và cho đi học, vợ chồng tôi đã xác định là sẽ tốn kém, ít nhất là 3 – 4 triệu đồng/tháng cả tiền ăn học, chưa kể thi thoảng cho con đi chơi, mua sắm đồ cho con..Vì vậy, năm nay, hai vợ chồng xác định chăm chỉ, cố gắng làm việc ngay từ đầu năm và nếu có thể sẽ làm thêm để vừa có tiền cho con ăn học mà cũng có thêm chút dư dả để “phòng thân”. Với mỗi bậc cha mẹ, con cái luôn là điều quý giá nhất, vậy nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho con” – chị Hiền chia sẻ.

Chưa vướng bận chuyện con cái ăn học và cũng chưa có ý định kiếm “tấc đất cắm dùi”, mục tiêu lớn nhất trong năm nay của anh Đỗ Văn Hải (quê Hòa Bình) đang làm việc tại Công ty sản xuất bao bì (KCN Phú Nghĩa) là tìm được người thương và xây dựng gia đình.

Nhưng theo anh Hải, để đạt được mục tiêu đó, bản thân anh phải có được chút vốn lận lưng để có điều kiện lo cho hôn lễ và sắm sửa những vật dụng cần thiết cho gia đình nhỏ của mình. Chính vì thế, anh Hải đặt ra mục tiêu năm nay sẽ cố gắng làm việc để nâng cao thu nhập và tiết kiệm được càng nhiều càng tốt.

Anh Hải chia sẻ: “Năm nay anh đã 28 tuổi, thực sự cũng đã muốn lập gia đình nhưng chưa có đồng vốn lận lưng. Trước đây, cứ làm được đồng nào, xào luôn đồng nấy nên bây giờ nói đến tiền dư dả chỉ là con số không tròn trĩnh. Vừa rồi, về quê ăn Tết, mọi người ai cũng giục lập gia đình khiến tôi cũng thấy sốt ruột.

Do đó, năm nay tôi đặt mục tiêu cố gắng “cày cuốc” để có chút dư dả và kiếm người thương để về chung một nhà. Suy cho cùng, khi đã có gia đình, mình sẽ có trách nhiệm hơn, hai vợ chồng cùng cố gắng thì cuộc sống sẽ sớm ổn định hơn.”

Với nhiều CNLĐ, nỗ lực, cố gắng trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các phong trào thi đua do công ty, công đoàn phát động để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của công ty cũng là mục tiêu riêng của bản thân. Anh Nguyễn Việt Hà, công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (KCN Nội Bài) cho biết: “Năm nay công ty tôi phát động phong trào thi đua “Yamaha trong trái tim tôi”.

Theo đó, toàn thể người lao động của công ty sẽ thi đua lập thành tích cao trong lao động sản xuất với trọng tâm là làm việc theo 05 phong cách độc đáo của Yamaha. Đây cũng là một trong những mục tiêu của bản thân tôi trong năm nay và tôi sẽ cố gắng đạt được những thành tích xuất sắc với phong trào thi đua “Yamaha trong trái tim tôi”.”

Năm mới, ai cũng đặt cho mình những mục tiêu, dự định riêng và có kế hoạch để hoàn thành những mục tiêu đó. Với CNLĐ cũng vậy, họ cũng có những mục tiêu riêng và với họ, có lẽ cách để hoàn thành mục tiêu chính là chăm chỉ, cố gắng làm việc, nâng cao năng suất lao động để tăng thu nhập, có dư dả.

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, nhiều người cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội để họ có thêm động lực cố gắng và bớt đi những nỗi lo, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/no-luc-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-87565.html