Nỗ lực để Chính phủ điện tử tại Việt Nam bứt tốc

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020 được Liên hợp quốc công bố ngày 10-7-2020, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan nhà nước các cấp, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nếu nhân rộng mô hình thành công này, thời gian tới sẽ có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu tương tự.

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 725 dịch vụ công được thực hiện, 188.425 tài khoản đăng nhập, hơn 49 triệu lượt truy cập, hơn 11 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 16.000 cuộc gọi đến tổng đài, 6.500 phản ánh kiến nghị. Những con số này thể hiện rõ sự tham gia, tương tác tích cực và nhu cầu sử dụng dịch vụ công rất lớn của người dân và doanh nghiệp hướng tới tính minh bạch, công khai, giảm thời gian, công sức và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, với vị trí xếp hạng hiện nay, để đạt mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử” được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ), các bộ, ngành, địa phương chắc chắn sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình nhằm phát triển đồng bộ Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số trong giai đoạn mới.

Tin rằng, dưới sự chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, ban ngành, sự sẵn sàng của các giải pháp “Make in Vietnam” của các công ty công nghệ, bộ mặt Chính phủ điện tử của Việt Nam sẽ có những thay đổi rõ rệt hơn trong thời gian tới.

VĂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/no-luc-de-chinh-phu-dien-tu-tai-viet-nam-but-toc-626979