Nỗ lực đẩy lùi tình trạng tái trồng cây thuốc phiện

Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, diện tích tái trồng cây thuốc phiện ở xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã giảm nhanh, giảm mạnh. Diện mạo Cốc Pàng hôm nay đã có nhiều thay đổi tích cực nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển theo hướng hàng hóa. Đây là giải pháp tích cực nhằm đẩy lùi tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã diễn ra từ nhiều năm trước, xây dựng xã trở thành điểm sáng của huyện trong công tác xóa đói giảm nghèo và địa bàn 'sạch' về cây thuốc phiện.

Cán bộ Biên phòng tăng cường xã của Đồn Biên phòng Cốc Pàng tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây sắn cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Đức

Chưa hết tình trạng tái trồng cây thuốc phiện

Cốc Pàng là xã có đường biên giới dài 17,507km, có 18 xóm, với diện tích đất tự nhiên là 8.105,42ha. Xã có địa hình chủ yếu đồi núi cao, đường sá đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa rét, đây cũng là điều kiện thích hợp để cây thuốc phiện phát triển. Những năm gần đây, do tâm lý hiếu kỳ, nhiều người tin vào tác dụng của rượu ngâm thuốc phiện và sản phẩm từ cây thuốc phiện đem lại, vì vậy, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện vẫn còn diễn ra khá nhiều ở các xóm vùng cao của xã. Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng chưa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng Mò Văn Sợi cho biết, mấy năm trước, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 80%, việc phát triển kinh tế-xã hội của xã gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, trồng cây thuốc phiện lợi nhuận cao hơn so với các cây trồng khác. Sản phẩm từ cây thuốc phiện rất gọn nhẹ nên việc vận chuyển, tiêu thụ khá dễ dàng, vì vậy, một số hộ biết trồng cây thuốc phiện là vi phạm pháp luật vẫn lén lút tái trồng loại cây này. Việc kiểm tra, phát hiện và triệt phá càng gặp nhiều khó khăn do đối tượng tái trồng cây thuốc phiện ngày càng có nhiều cách thức che giấu tinh vi.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng chọn địa bàn tái trồng cây thuốc phiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, xa khu dân cư hoặc trồng trà trộn với các loại cây trồng khác. “Nhận thức của người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây thuốc phiện còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Trong đó, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện nhiều nhất phải kể đến địa bàn các xóm Khuổi Khâu, Nà Mìa, Khuổi Sá...” - Chủ tịch xã Mò Văn Sợi nói.

Trước tình hình phức tạp về tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn xã, Đồn Biên phòng Cốc Pàng đã thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành của xã tiến hành tuyên truyền, vận động để người dân không trồng và tái trồng cây thuốc phiện, những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời viết bản cam kết không tái trồng cây thuốc phiện. Cùng với đó, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, diện tích trồng và tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn xã giảm khá nhanh, chủ yếu do nhân dân tự giác chấp hành.

Những “quả ngọt” đầu mùa

Thiếu tá Hoàng Văn Sự, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cốc Pàng cho biết: “Những năm trước đây, nhiều hộ dân vẫn lén lút trồng và tái trồng cây thuốc phiện ở những nơi núi cao, rừng rậm ít người qua lại, vùng giáp ranh giữa các xóm để tái trồng cây thuốc phiện. Năm 2012, đồn phát hiện và tiến hành phá nhổ trên 10.000 cây thuốc phiện, xử lý 12 đối tượng; năm 2015, số lượng có giảm xuống 5.120 cây/7 đối tượng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1.200 cây/2 đối tượng”. Đây là con số đáng mừng từ kết quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây, góp phần xây dựng địa bàn trong sạch, không tái trồng cây thuốc phiện.

Với lợi thế là xã có đường biên giới có nhiều lối mở thông thương, chính quyền và các lực lượng chức năng hai bên biên giới lại tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai bên biên giới qua lại trao đổi hàng hóa, nông sản. Nhận thấy thị trường Trung Quốc thu mua với giá khá cao các sản phẩm từ nông lâm sản, lãnh đạo xã đã quyết định nhân rộng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng lên, trong đó, tập trung phát triển cây thế mạnh như: Cây hồi, sở, quế, sắn, sa mộc...

Đây là những cây có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc rất cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt từ 13 - 15 triệu đồng/năm, nhiều hộ có thu nhập gần 100 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo 6 tháng đầu năm 2018 giảm 7,55% so với cùng kỳ năm 2017. Xã còn chú trọng phát triển diện tích cây hồi và sa mộc lên trên 420ha; 565ha sắn; 16ha quế... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại nhiều khởi sắc cho kinh tế địa phương, nhiều hộ thoát nghèo, nuôi dạy con ăn học và có công việc ổn định như gia đình anh Vần Văn Thí, Lý Văn Sính, Lý Văn Thù...

Có được kết quả trên là nhờ Đồn Biên phòng Cốc Pàng tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Trần Đức

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/no-luc-day-lui-tinh-trang-tai-trong-cay-thuoc-phien/