Nỗ lực dạy học an toàn, chất lượng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 15-5, học sinh trên địa bàn Hà Nội đã bước vào kỳ nghỉ hè năm học 2020-2021, riêng học sinh lớp 9 và 12 tiếp tục học trực tuyến đến hết ngày 28-5-2021. Xác định khoảng thời gian tới còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục Thủ đô đã chủ động xây dựng phương án, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục, quyết tâm hoàn thành 'nhiệm vụ kép' là dạy học an toàn, chất lượng và dốc sức ưu tiên cho học sinh cuối cấp.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh Đỗ Tâm

Vừa phòng dịch, vừa không để “rơi” kiến thức

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, thời gian kết thúc năm học là trước ngày 31-5-2021. Tại Hà Nội, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, cho phép học sinh nghỉ hè từ ngày 15-5, riêng học sinh lớp 9 và lớp 12 tiếp tục học trực tuyến đến hết ngày 28-5-2021.

Tuy nhiên, đến thời điểm nghỉ hè, nhiều trường mới hoàn thành bài kiểm tra định kỳ ở một số môn học. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các nhà trường đều có kế hoạch duy trì việc học, giúp học sinh không bị “rơi” kiến thức, sẵn sàng quay trở lại trường để hoàn thành nhiệm vụ năm học khi dịch được kiểm soát.

Cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Để duy trì nền nếp, giúp học sinh không quên kiến thức, vào đầu tuần, cô giáo giao 1 bài tập và nhờ phụ huynh phối hợp, hỗ trợ con hoàn thành; cuối tuần, các con thực hiện một bài kiểm tra nhỏ trên phần mềm trực tuyến”.

Bà Trần Thị Thúy, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) cho biết: “Khác với các năm trước, hè này, các con không được nghỉ thoải mái, giáo viên cũng vất vả, nhấp nhổm không yên, song với tình hình hiện tại, đây là phương án phù hợp nhất. Chúng tôi sẽ tập trung nhắc nhở con học tập, giữ sức khỏe để sẵn sàng quay trở lại trường khi được phép”.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, 29 trường tiểu học và 20 trường trung học cơ sở thuộc huyện đã triển khai kế hoạch hoạt động trong hè, yêu cầu học sinh tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường duy trì việc học tập bằng nhiều hình thức, như ôn trực tuyến, gửi bài tập…

Ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong các kỳ thi và kỳ tuyển sinh. Trong ảnh: Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Hỗ trợ tối đa cho học sinh cuối cấp

Ngay sau khi học sinh các cấp học nghỉ hè, các trường đã tổ chức họp phụ huynh lớp 9 và lớp 12 để thảo luận, xây dựng kế hoạch học tập. Do ảnh hưởng của dịch, việc học tập, ôn luyện cho học sinh vẫn phải triển khai theo hình thức trực tuyến. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các nhà trường đều nỗ lực hỗ trợ học sinh, giúp các em đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Lương thông tin, nhà trường có 7 lớp 9 với hơn 300 học sinh. Nhà trường đã xây dựng phương án ôn tập cho các em theo từng giai đoạn, chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch. Trước mắt, từ nay tới ngày 28-5, bên cạnh việc tập trung ôn tập 4 môn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường dành nhiều thời gian hướng dẫn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm và cập nhật, giải đáp những băn khoăn của học sinh, phụ huynh liên quan đến kỳ thi.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Liên, do “đầu vào” thấp, điều kiện học tập của nhiều học viên khó khăn, nên trung tâm bố trí học trực tuyến vào các buổi tối, đồng thời phân nhóm đối tượng để hỗ trợ thêm theo từng môn thi. Trung tâm cũng xây dựng đề thi bám sát cấu trúc bộ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung giúp học viên giải quyết được các yêu cầu của đề thi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, cố gắng không để ai bị điểm liệt.

Trong khi đó, em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) chia sẻ: “Em được các thầy, cô giáo hướng dẫn cách tự học, tự kiểm tra qua một số hệ thống học và thi trực tuyến, đồng thời tập làm đề kiểm tra với nguyên tắc: Đọc kỹ đề, làm câu dễ trước và tận dụng tối đa thời gian làm bài, không vi phạm quy chế thi”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại khẳng định, thành phố Hà Nội và các nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong các kỳ thi và kỳ tuyển sinh. Sở yêu cầu các nhà trường kết nối chặt chẽ với gia đình học sinh để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch; động viên, hỗ trợ học sinh khó khăn và các em có học lực yếu, kém; bảo đảm quyền lợi dự thi cho mọi thí sinh có nguyện vọng và tuyệt đối không vận động thu góp các khoản ngoài quy định.

“Sở sẽ bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để có sự điều chỉnh kịp thời, bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh trong bất kỳ tình huống nào”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1000092/no-luc-day-hoc-an-toan-chat-luong