Nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân

Với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút nguồn nhân lực từ các nơi tập trung về thành phố với số lượng ngày càng tăng, TP Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực hơn nữa cùng nhiều giải pháp khả thi để giải bài toán đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động một cách căn cơ.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nhà lưu trú công nhân (NLTCN) của thành phố, năm 2017 thành phố có 35 dự án xây dựng NLTCN hoàn thành với quy mô 15,72 ha, tương đương 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở cho công nhân (CN). Trong đó, có một số NLTCN được các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng thu hút nhiều CN vào ở như Khu NLTCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) có quy mô chín tầng, đáp ứng 2.400 chỗ ở cho công nhân; NLTCN Linh Trung 1 (quận Thủ Ðức) quy mô năm tầng, đáp ứng chỗ ở cho 2.340 công nhân trong khu chế xuất (KCX) Linh Trung; NLTCN KCX Tân Thuận (quận 7) của Công ty Hung Way quy mô sáu tầng, giải quyết chỗ ở cho hơn một nghìn CN... Theo Trưởng ban Quản lý Khu NLTCN Hung Way Trương Minh Ðịnh: Hiện nay, 180 phòng trọ ở đây đã kín CN, trong đó có 24 phòng trọ dành cho các cặp vợ chồng là CN của công ty. Do nhu cầu nhà ở của CN trong khu NLTCN ngày một tăng cho nên Ban Giám đốc công ty quyết định đầu tư xây dựng thêm 40 phòng trọ cho CN ở khu vực bãi xe tầng trệt và một khu đất còn trống. Ban Giám đốc đã linh động giải quyết cho người thân (cha mẹ, anh em) của CN đang làm việc tại Công ty Hung Way được vào ở chung với mức phí trung bình là 300.000 đồng/người. Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (quê Long An) ở tại phòng 104, Khu NLTCN Hung Way cho biết: "Vợ chồng em cùng làm chung công ty có chỗ ở trọ miễn phí trong khu lưu trú nên đỡ lo rất nhiều. Sinh hoạt ở đây rất nền nếp, có bảo vệ trực cả ngày nên vấn đề an ninh được bảo đảm".

Mặc dù thành phố nỗ lực rất nhiều trong việc đầu tư xây dựng NLTCN nhưng tổng chỗ ở xây mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho người lao động. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NLTCN của thành phố cho biết: Dự báo đến năm 2020, thành phố có khoảng 400 nghìn công nhân làm việc tại ba KCN tập trung (bình quân mỗi năm tăng 2%). Trong đó, số lượng CN có nhu cầu về chỗ ở là 70%, tương ứng với 280 nghìn chỗ ở. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NLTCN của thành phố cho biết: Với gần 40 nghìn chỗ ở cho CN hiện nay, dự báo đến năm 2020, thành phố cần phát triển thêm gần 246 nghìn chỗ ở cho CN, người lao động để họ yên tâm làm việc. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố có 15 dự án NLTCN do doanh nghiệp sử dụng vốn xã hội hóa để tham gia đầu tư xây dựng, hiện đang triển khai với quy mô gần 47 ha, đáp ứng hơn 90 nghìn chỗ lưu trú. Theo Phòng Quy hoạch, Ban Quản lý các KCX, KCN thành phố (Hepza), trong năm 2018, sẽ có ba dự án khởi công xây dựng gồm: NLTCN thị trấn Củ Chi có quy mô 0,44 ha do Công ty CIDICO làm chủ đầu tư, đáp ứng khoảng 600 chỗ ở cho CN; KCN Tây Bắc Củ Chi; NLTCN KCN Tân Bình có quy mô 2 ha do Công ty Tanimex làm chủ đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho 1.550 CN; NLTCN KCN Linh Trung 2 (giai đoạn 2) có quy mô 0,5 ha do Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư, đáp ứng 1.500 chỗ ở cho CN. Lãnh đạo Hepza chia sẻ: Việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ công nhân lao động, trong đó có các khu NLTCN thời gian qua là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, các công ty đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn có một số vướng mắc, hạn chế gặp phải như: Ngân sách thành phố dành cho chương trình xây dựng NLTCN, nhà ở xã hội còn hạn chế, thủ tục vẫn còn phức tạp nên ít doanh nghiệp được vay vốn đầu tư xây dựng; thời gian hỗ trợ lãi suất vay vốn kích cầu của thành phố tối đa là bảy năm, trong khi đó thời gian thu hồi vốn của dự án có thể lên đến 10 đến 15 năm. Cũng theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư xây dựng NLTCN, hầu hết các dự án phát triển nhà ở phục vụ CN có vốn đầu tư lớn (chi phí xây dựng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài khiến nhà đầu tư chưa mặn mà.

Ngoài những vướng mắc về chủ trương, chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia, một số công trình NLTCN đã được xây dựng tuy nhiên công năng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và điều kiện sinh hoạt đa dạng của nhiều nhóm đối tượng (lứa tuổi, giới tính, ngành nghề lao động, nhu cầu, giải trí...), thiết kế phòng ở chưa phù hợp dẫn đến công suất chưa được khai thác hết, làm hiệu quả đầu tư không cao. Trong quá trình hình thành, phát triển các KCN tập trung và bố trí đất xây dựng nhà ở lưu trú cho CN chưa gắn liền với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong quy hoạch xây dựng các KCN, chưa quan tâm nhiều đến việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở phục vụ CN cũng như chưa ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do Nhà nước trực tiếp quản lý để xã hội hóa kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho CN.

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35742902-no-luc-dap-ung-nhu-cau-nha-o-cho-cong-nhan.html