Nỗ lực đảm bảo an toàn cho bữa ăn của người dân

Hoạt động giết mổ thường vào ban đêm, nơi giết mổ được bao bọc kín bưng, luôn có người canh gác. Trinh sát phải dầm mình xuống mương nước thối, lần mò trong các lùm cỏ, bãi rác để thu thập bằng chứng. Sau một đêm trở về, người nào cũng 'bốc mùi' không thể chịu được…

Tiêm thuốc an thần vào heo

Thời gian vừa qua, người tiêu dùng liên tục đón nhận “hung tin” về thịt heo. Nhiều người từ bàng hoàng đến phẫn nộ về hành vi “đầu độc” con người của một bộ phận lái buôn, chủ lò mổ. Thông tin gây chấn động nhất phải kể đến vụ tiêm thuốc an thần vào heo xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua.

Từ công tác nắm tình hình, trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phát hiện cơ sở giết mổ gia súc đóng trên địa bàn Củ Chi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật.

Ngay sau đó, Phòng 7, Cục C49 đã báo cáo lãnh đạo và đề xuất cử 3 đồng chí thực hiện nhiệm vụ trinh sát nhằm xác định rõ thời gian, quy luật hoạt động của các hộ kinh doanh giết mổ heo, các chất được bơm, tiêm vào heo, động cơ, mục đích...

Sau thời gian trinh sát, các cán bộ Phòng 7 đã xác định cơ sở giết mổ Xuyên Á do bà Nguyễn Hồng Thắm (SN 1977, ngụ Củ Chi) làm đại diện pháp lý. Cơ sở này ký hợp đồng với 21 hộ, cho thuê mặt bằng và dây chuyền giết mổ gia súc để kinh doanh hoạt động giết mổ heo, với tổng công suất khoảng 5.000 con/ngày đêm.

Ngày 28-9-2017, Cục C49 phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện quả tang công nhân đang tiêm thuốc an thần vào heo.

Trinh sát thu tại hiện trường 6 lọ Combistress dung tích 50ml (thành phần chính là acepromazine - thuốc an thần) và 51 vỏ chai Lactated Ringes loại 500ml dùng để pha thuốc an thần cùng 9 ống tiêm cỡ lớn.

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với chủ lò mổ.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở ngừng giết mổ số heo có dấu hiệu tiêm thuốc an thần là 4.626 con, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm 144 con heo của 21 hộ kinh doanh giết mổ cùng mẫu dung dịch ghi thuốc an thần để kiểm tra.

Hai ngày sau, kết quả kiểm nghiệm của Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị (Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, heo của 13/21 hộ dương tính với chất acepromazine - thuốc an thần. Điều này đã gây hoang mang, phẫn nộ cho người tiêu dùng. Họ không biết từ trước đến nay, thịt heo đã được tiêu thụ ra ngoài thị trường có bao nhiêu phần trăm là thuốc an thần.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền bức xúc: “Cứ đà này, đến bao giờ người dân chúng tôi được ăn thịt heo sạch. Rồi bao thứ bệnh tật đổ dồn lên cơ thể, chúng tôi không biết mình sẽ chết lúc nào”.

Để phát hiện được hành vi tiêm thuốc an thần vào heo, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cục C49 đã bám cơ sở nhiều ngày trời. Các cơ sở giết mổ cũng rất cảnh giác với người lạ trà trộn vào nên họ thực hiện vô cùng tinh vi.

Hoạt động giết mổ thường vào ban đêm, nơi giết mổ được bao bọc kín bưng, luôn có người canh gác. Trinh sát phải dầm mình xuống mương thối, bám trong các lùm cỏ, bãi rác để thu thập bằng chứng. Sau một đêm trở về, người ai cũng “bốc mùi” không thể chịu được.

Sau khi họp, thống nhất giữa các ngành chức năng, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn thanh tra liên ngành tiêu hủy toàn bộ số heo xác định bị tiêm thuốc an thần đã được cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố công khai danh sách 13 thương lái chủ dây chuyền giết mổ heo vi phạm.

Mặc dù bị xử lý hành chính, phạt tiền và tiêu hủy hàng trăm con heo bị tiêm thuốc an thần, song vấn đề nhức nhối đặt ra là liệu người kinh doanh có chịu ngồi yên làm ăn chân chính, cung cấp thịt heo sạch cho người tiêu dùng? Sau hơn bốn tháng tạm ngừng hoạt động, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức cho phép cơ sở giết mổ Xuyên Á hoạt động trở lại. Thời gian hoạt động tạm thời đến 31-10-2018 với công suất 1.500 con/ngày.

Người dân lo lắng, lái buôn trăm phương ngàn kế

Bà Trần Thị Lệ, chủ quán cơm trên đường Phạm Hùng (quận.8) cho biết, từ ngày có thông tin heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, quán cơm của bà “ế” hẳn món thịt heo. Mặc dù đã giải thích cặn kẽ về nguồn gốc thịt heo nhưng khách vẫn không tin, họ cho rằng đó chỉ là những lời “mị khách” của chủ quán.

Còn ông Huỳnh Công Đạt, một thương nhân bán vải tại quận 7, hễ ai nhắc đến thịt heo là ông lắc đầu. Ông chia sẻ: “Bây giờ tôi không tin cánh buôn heo. Tốt nhất là không ăn để tẩy chay hành vi gian trá, độc ác của kẻ giết mổ”. Ông Đạt còn đề xuất phải cho những người này đi tù mới tạo được sức răn đe với xã hội.

2 nhân viên lò mổ đang bơm nước vào heo.

Khi vụ tiêm thuốc an thần vào heo ở TP. Hồ Chí Minh chưa lắng xuống thì đêm ngày 21-3-2018, trinh sát Phòng 7, Cục C49 lại phát hiện 2 đối tượng đang thực hiện hành vi bơm nước vào heo ở Đồng Nai. Để củng cố chứng cứ chắc chắn, tổ công tác đã bí mật quay lại video đầy đủ hành vi bơm nước vào heo. Sau đó, ập vào khống chế các đối tượng và giữ nguyên hiện trường.

Sự việc được thông báo với các đơn vị chức trách tại Đồng Nai phối hợp, kiểm tra lò mổ tại địa chỉ Tổ 31, KP7, phường Long Bình (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do ông Phạm Minh Công làm chủ. Tại đây ông Phạm Minh Công thuê mặt bằng có diện tích khuôn viên khoảng 2.000m2, trong đó khu vực nuôi nhốt diện tích khoảng 60m2, khu vực nhà ở có diện tích khoảng 30m2, còn lại khuôn viên sân bãi.

Thời điểm kiểm tra, trong chuồng đang nhốt 79 con heo sống (trọng lượng khoảng 100kg/con). Toàn bộ số heo trên đã được bơm nước. Tại hiện trường còn phát hiện 8 chai thuốc Proziil font đã qua sử dụng, 4 chai thuốc Eucamphor; 2 chai nhựa chứa nước vàng chưa xác định thành phần.

Kiểm tra phía bên ngoài bờ rào của khu vực bơm nước vào heo phát hiện hàng ngàn chai lọ thuốc an thần đã qua sử dụng. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Phạm Minh Công khai nhận: Cách đây vài tiếng, ông thuê xe tải chở heo từ trung tâm trung chuyển heo Biên Hòa về địa điểm hiện tại để nhốt. Sau đó ông cho nhân viên mở niêm phong xe heo và xuất heo vào chuồng.

Chỉ cử 2 nhân viên thực hiện hành vi bơm nước vào heo và phải tuyệt đối kín đáo, bí mật. Thiếu tá Mai Trường Lâm, cán bộ Cục C49 cho biết: Các lái buôn có trăm phương ngàn kế để đối phó với cơ quan kiểm tra.

Cho nên, để có được bằng chứng thuyết phục, anh em không chỉ có đổ mồ hôi mà còn cần sự khôn khéo, tỉnh táo. Trong vụ việc ở Đồng Nai, ông Công và nhân viên không thừa nhận tiêm thuốc an thần vào heo nhưng Chi cục Thú y Đồng Nai nhận thấy heo có dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần nên đã lấy mẫu về phân tích. Mục đích bơm nước vào heo là để tăng trọng lượng, sau khi bơm nước xong thì đưa lên xe và đóng niêm phong để đưa về lò mổ Nguyễn Văn Duẩn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để giết mổ.

Nhiều người kéo đến xem cơ sở giết mổ bơm nước vào heo.

Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện bơm nước vào heo, nhiều lò mổ tại Đồng Nai đã “án binh bất động” tìm cách khác để hoạt động. Một cán bộ Cục C49 cho biết, họ sẽ không thực hiện bơm nước tại chỗ nữa mà chở heo đến một địa điểm khác, thường giữa cánh đồng hoặc vùng thưa dân cư tách khỏi địa bàn để bơm, sau đó sẽ chở heo đến một lò mổ thực hiện giết mổ rồi mới đưa thịt về tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Bơm nước, tiêm thuốc vào heo trước khi giết mổ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Đây không chỉ là gian lận thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tác hại của thịt heo bơm nước tăng trọng hoặc tiêm thuốc an thần theo thời gian sẽ tàn phá sức khỏe con người, hệ lụy khôn lường cho tương lai.

Ngọc Thiện

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/no-luc-dam-bao-an-toan-cho-bua-an-cua-nguoi-dan-486545/