Nỗ lực cứu vãn đàm phán Mỹ - Triều có thành?

Trong bối cảnh thời 'hạn chót cuối năm' phải nhượng bộ và thay đổi thái độ đàm phán mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt ra cho Tổng thống Donald Trump đang đến gần, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Spephen Biegun đang có chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài 3 ngày.

Chuyến thăm càng trở nên “nặng gánh” hơn với hàng loạt diễn biến căng thẳng mới những ngày qua giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Đột phá là điều chắc chắn không thể xảy ra, nhưng dư luận quan tâm, liệu bước đi ngoại giao này có đem lại một kết quả khiêm tốn nào có thể góp phần cứu vãn tiến trình đối thoại Mỹ - Triều vẫn đang hồi bế tắc?

Gia tăng áp lực

Càng đến thời hạn chót mà Triều Tiên đặt ra cho phía Mỹ là cuối năm nay để có những động thái nhượng bộ cần thiết, Bình Nhưỡng càng có những động thái liên tiếp gây sức ép với Washington. Mới nhất, Triều Tiên ngày 14/12 thông báo đã tiến hành “một vụ thử quan trọng” tại bãi phóng vệ tinh Sohae của nước này. Vụ thử diễn ra chỉ khoảng 1 tuần sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử khác mà Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh là “rất quan trọng”. KCNA dẫn lời Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon tuyên bố, những thử nghiệm công nghệ quốc phòng gần đây là nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ cũng như tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Triều Tiên.

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

“Món quà ICBM” là lời cảnh báo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi đến Mỹ.

Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc bình luận, với các cuộc thử nghiệm gần đây - đặc biệt là vụ thử ngày 7/12, Triều Tiên rất có thể đã kích hoạt hoặc kiểm tra động cơ cho tên lửa đẩy hạng nặng hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) dùng nhiên liệu lỏng. Dù không công bố nhưng nếu được xác thực, rõ ràng, “món quà ICBM” là lời cảnh báo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi đến Mỹ rằng, nước này đang xem xét các vụ phóng tên lửa tầm xa. Đây là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên dường như đã sắp hết kiên nhẫn với Washington khi thời hạn chót cuối năm đang đến gần! Không chỉ liên tiếp thử vũ khí, Triều Tiên còn kích hoạt một “cuộc chiến ngôn từ” nhằm công kích Mỹ, khiến dư luận không khỏi lo ngại cả hai sẽ lại lùi về vạch xuất phát ban đầu.

Diễn ra trong bối cảnh như thế, chuyến thăm Hàn Quốc của Đặc phái viên Spephen Biegun mang theo gánh nặng phải cứu vãn các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Đó vừa là tín hiệu bày tỏ Mỹ vẫn muốn duy trì đối thoại nhưng mặt khác cũng phải giữ thái độ cứng rắn rằng, Washington không dễ bị Bình Nhưỡng gây sức ép hay uy hiếp trong tiến trình đối thoại! Bởi vậy, cuộc gặp giữa ông Biegun với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Ho-hoon và các quan chức Hàn Quốc lần này có lẽ sẽ có nhiều vấn đề phải bàn thảo. Đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây vẫn cảnh báo Triều Tiền có thể mất tất cả nếu hành động khiêu khích. Còn Triều Tiên trước đó cũng nhấn mạnh, nước này buộc phải chọn “con đường mới” nếu Mỹ không có các nhượng bộ mới.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephan Biegun (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Ho-hoon. Ảnh: Getty

Nhìn lại, các cuộc đàm phán giữa hai nước vốn đã rơi vào bế tắc suốt thời gian qua, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh thứ nhất và thứ hai. Mới nhất, cuộc đàm phán giữa hai nước ở cấp độ làm việc diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 10 năm nay cũng đã sụp đổ hoàn toàn.

Thúc đẩy nhân tố trung gian

Lý giải về những bế tắc hiện nay trong quan hệ Mỹ - Triều, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhận định, Mỹ thời gian qua đúng là đã có cố gắng kiềm chế Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng đang ngày càng trở thành một mối đe dọa lớn hơn so với trước đây, đó là chưa muốn nói là lớn hơn rất nhiều. Cần nhắc lại, kể từ năm 2011 đến nay - tức là gần 9 năm, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thử tới hơn 90 quả tên lửa, 4 lần thử vũ khí hạt nhân - nhiều hơn tất cả số lần mà cha và ông nội đã phóng thử nghiệm trong khoảng thời gian 27 năm. Đây là lý do mà hai nhân vật kỳ cựu của Bộ Quốc phòng Mỹ là ông James Mattits và Leon Panetta đã phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc, Mỹ phải hợp tác với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc trong bối cảnh mới hiện nay.

Hình ảnh vệ tinh mới nhất được CNN đăng tải cho thấy, Triều Tiên có thể đang tiếp tục chuẩn bị cho các động cơ thử nghiệm được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các bệ phóng vệ tinh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ảnh: CNN

Điều này thực sự có ý nghĩa khi Tổng thống Donald Trump còn đang vướng vào cuộc luận tội tại Quốc hội Mỹ do phe Dân chủ dẫn đầu. Mặt khác, bản thân ông Trump cũng khó có thể đưa ra những nhượng bộ với Triều Tiên; bởi đây sẽ chỉ tăng thêm mũi dùi chỉ trích trong nội bộ chính trường Mỹ nhằm vào cá nhân Tổng thống. Có một thực tế nữa là các nhân tố trung gian xúc tác như Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian qua chưa phát huy được vai trò cần thiết. Ngay như một Thế vận hội Mùa đông có thể xoa dịu quan hệ liên Triều như hồi năm 2018 cũng không còn!

Triều Tiên nhấn mạnh buộc phải chọn “con đường mới” nếu Mỹ không có các nhượng bộ mới.

Vào lúc này đã có thông tin rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ thông báo chấm dứt các cuộc đàm phán với Mỹ tại phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng 12 này, nếu như Mỹ không đưa ra đề xuất mới. Trong trường hợp Tổng thống Mỹ không thể nhượng bộ, Triều Tiên sẽ buộc phải hành động cứng rắn như đã tuyên bố, thì một kịch bản vô cùng xấu sẽ lại xảy đến với bán đảo Triều Tiên. Đó là điều cả hai đều không hề mong muốn trong bối cảnh hiện nay. Bởi thế, bất chấp nhiều dự báo không thể có đột phá, nhưng chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Đặc phái viên Stephen Biegun - dù ít dù nhiều cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến mới có thể cứu vãn nỗ lực đàm phán của cả hai bên.

Một năm trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Bên phải hàng đầu) từng là trung tâm trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giúp đưa Mỹ và Triều Tiên vào bàn đàm phán. Nhưng năm nay, vai trò này đang ngày càng mờ nhạt. Ảnh: Reuters

Chưa rõ, ông Biegun có đến thăm Khu phi quân sự giữa biên giới Hàn - Triều và gặp các quan chức Triều Tiên hay không, nhưng trong một tuyên bố ngay trước chuyến bay đến Hàn Quốc, ông Biegun khẳng định rằng, Mỹ vẫn duy trì chính sách tìm kiếm một tương lai phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp các động thái căng thẳng thời gian qua.

Chưa hết, dự báo ngay sau điểm dừng chân Hàn Quốc, ông Biegun cũng ghé thăm Nhật Bản cho đến thứ Năm - 19/12, nhằm tái khẳng định hợp tác chặt chẽ với các đồng minh khu vực trong vấn đề Triều Tiên. Đây dù sao cũng là nỗ lực của chính quyền Washington nhằm tránh những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra! Tất nhiên, sự tham gia tích cực của Hàn Quốc hay Nhật Bản sẽ phải đóng một phần quan trọng trong các nỗ lực này!

Khang Duy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/no-luc-cuu-van-dam-phan-my-trieu-co-thanh-259098.html