Nỗ lực cuối cùng trên thực địa

Quân đội Chính phủ Syria đã giải phóng thị trấn chiến lược Qalaat al-Madiq trong chiến dịch cuối cùng nhằm truy quét quân nổi dậy ở khu vực tây - bắc. Tuy nhiên, những trận chiến ác liệt diễn ra đã khiến vùng tây - bắc Syria trở nên căng thẳng nhất, kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn bạo lực ở khu vực này. Dư luận lo ngại, xung đột có nguy cơ gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, cản trở nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt nội chiến ở Syria.

Quân đội Chính phủ Syria đã giải phóng thị trấn chiến lược Qalaat al-Madiq trong chiến dịch cuối cùng nhằm truy quét quân nổi dậy ở khu vực tây - bắc. Tuy nhiên, những trận chiến ác liệt diễn ra đã khiến vùng tây - bắc Syria trở nên căng thẳng nhất, kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn bạo lực ở khu vực này. Dư luận lo ngại, xung đột có nguy cơ gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, cản trở nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt nội chiến ở Syria.

Được sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria đã mở chiến dịch tiến công trên bộ nhằm sườn phía nam của khu vực phiến quân chiếm đóng, bao gồm tỉnh Iblid và một số tỉnh phụ cận. Ðây là nỗ lực của quân đội Syria đẩy mạnh tiến công thành trì quan trọng cuối cùng của lực lượng phiến quân ở nước này. Ðây cũng là khu vực gần nhất với căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Latakia, nơi không ít lần bị quân nổi dậy Syria tiến công bằng rốc-két. Mới đây, phiến quân bắn hàng chục quả rốc-két vào căn cứ không quân của Nga. Ðáp trả, những tổ hợp phòng không tầm thấp Pantsir-S1 và Tor-M2 của Nga, các máy bay của lực lượng không quân - vũ trụ Nga và pháo binh của quân đội Chính phủ Syria đã phá hủy các vị trí bắn rốc-két của phiến quân.

Việc quân đội Chính phủ Syria và lực lượng không quân Nga tăng cường chiến dịch nhằm vào thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở khu vực tây - bắc là một đòn giáng mạnh vào các lực lượng khủng bố có quan hệ với al-Qaeda, trong nỗ lực giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Syria khỏi các tổ chức khủng bố và phiến quân. Trong cuộc chiến này, Nga đang thể hiện thế thượng phong và dẫn dắt cục diện trên thực địa. Mỹ dù tuyên bố rút hoàn toàn quân đội khỏi Syria, song không muốn đánh mất vị thế và ảnh hưởng ở chiến trường này.

Truyền thông khu vực Trung Ðông mới đây đưa tin, Mỹ đã triển khai một loại tên lửa bí mật để tiêu diệt các phần tử khủng bố. Loại vũ khí này được sử dụng ở nhiều khu vực xung đột tại Syria. Theo một số quan chức và cựu quan chức Mỹ, loại vũ khí này là phiên bản cải tiến của tên lửa Hellfire, được thiết kế để phóng trúng các mục tiêu như xe ô-tô, nhà cao tầng và một số cơ sở hạ tầng khác. Mỹ bắt đầu phát triển loại tên lửa, với tên gọi R9X này, từ năm 2011. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu năm góc đã sử dụng loại tên lửa này ít nhất sáu lần, trong đó có các vụ tiến công nhằm vào một số thủ lĩnh khủng bố cấp cao. Những thông tin mới cho thấy, Syria tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trên “bản đồ lợi ích chiến lược” của các cường quốc.

Khu vực xung đột ở tây-bắc Syria hiện nay cũng là hành lang được dùng để sơ tán nhiều tay súng và dân thường sau khi lực lượng phiến quân đầu hàng Chính phủ Syria. Bởi thế, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo đối với dân thường. Giao tranh đã khiến 150 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi ước tính có ba triệu người sống ở Idlib và vùng lãnh thổ liền kề do phiến quân chiếm giữ. Con số này nhiều hơn gấp hai lần số người buộc phải rời bỏ nhà cửa trong các trận chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền đông Syria từ tháng 12-2018 đến tháng 3-2019. Theo Liên hợp quốc, nhiều cơ sở y tế đã bị trúng đạn pháo trong các cuộc không kích. Nhiều trường học ở khu vực tây - bắc Syria cũng trở thành “bia bắn” kể từ ngày 30-4 vừa qua, buộc phải đóng cửa vô thời hạn. Xung đột, chiến tranh triền miên trong tám năm qua khiến tình hình nhân đạo ở Syria trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Hiện có 12 triệu người sống phụ thuộc cứu trợ nhân đạo.

Khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm khủng bố ở tây-bắc Syria đang chịu sức ép từ các cuộc tiến công mạnh mẽ của quân đội Chính phủ Syria. Lực lượng của Tổng thống B.Assad đang thực hiện những bước đi cuối cùng nhằm giải phóng hoàn toàn các vùng lãnh thổ khỏi phe nổi dậy. Tuy nhiên, ngày nào đất nước Syria còn xung đột thì cuộc sống của dân thường nơi đây còn bị đe dọa. Những bước tiến trên thực địa của quân đội Chính phủ Syria được hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy các cuộc thương lượng trên bàn đàm phán. Vòng đàm phán hòa bình Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ vẫn cần được thúc đẩy, nhằm đi tới một giải pháp toàn diện, đưa Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40156702-no-luc-cuoi-cung-tren-thuc-dia.html