Nỗ lực của Chính phủ và hành động của cán bộ quận Bắc Từ Liêm

Chính phủ rất nỗ lực xây dựng nền công vụ tận tụy, trong sạch, nhưng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) thì có cán bộ đang hành xử lạ.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát 10 chữ thể hiện thông điệp của năm mới: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.

“Hãy hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế. Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt”, Thủ tướng nói.

Cần phải khẳng định rằng, những nỗ lực mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ cùng tập thể Chính phủ đã và đang thực sự biến những thông điệp nói trên thành hiện thực, khởi đầu cho việc xây dựng lòng tin.

Tư duy “Chính phủ kiến tạo” là luồng gió mới thổi vào những quan niệm cũ kỹ về vị trí, vai trò của người cán bộ, công chức, bởi những gì diễn ra trên thực tế cho thấy không ít cán bộ thời nay “nhầm tưởng” vị trí họ đang làm việc là có uy quyền.

Sự “nhầm lẫn” tai hại ấy chính là nguồn cơn của tệ quan liêu, cửa quyền, xa dân, hách dịch.

Ở cấp địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố - ông Nguyễn Đức Chung cũng luôn rất quyết liệt, yêu cầu mọi cán bộ sở ngành, quận huyện phải luôn nỗ lực tận tụy, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, thành phố đang từng giờ, từng ngày lo cho cuộc sống của nhân dân, nhưng còn ở cấp quận, huyện đã thật sự tốt?

Một ví dụ điển hình cho sự lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu trách nhiệm xảy ra tại huyện Sóc Sơn (Thành phố Hà Nội) vừa qua gây bức xúc dư luận khi rừng phòng hộ Sóc Sơn bị băm nát, xẻ thịt bởi nhiều căn biệt thự nguy nga, khu nghỉ dưỡng đã và đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đang xây dựng.

Nhà đa năng, có bể bơi trong khuôn viên Trường Everest đang xây dựng bị một cán bộ ở quận Bắc Từ Liêm gây khó dễ. Ảnh: N.H.

Nhà đa năng, có bể bơi trong khuôn viên Trường Everest đang xây dựng bị một cán bộ ở quận Bắc Từ Liêm gây khó dễ. Ảnh: N.H.

Ở nhiều địa bàn trên thành phố đã xảy ra tình trạng nhà xây sai phép, thậm chí có cả tòa nhà không phép vẫn ngang nhiên mọc lên, thanh tra cả năm trời nhưng chưa có kết quả xử lý.

Những công trình hoành tráng mọc trên đất rừng phòng hộ không phép thì ngang nhiên tồn tại, trong khi đó ngay tại quận Bắc Từ Liêm, trường Everest xây bể bơi (rộng khoảng 100m2), nhà đa năng để phục vụ cho học sinh rèn luyện sức khỏe, chống đuối nước theo chỉ đạo của ngành giáo dục, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì lại bị một số cán bộ, cơ quan chức năng thuộc quận này gây khó dễ.

Cách vào cuộc quyết liệt của một số cán bộ, cơ quan phường Cổ Nhuế 1 và quận Bắc Từ Liêm được xem là bất thường gây ra sự phản ứng của hàng trăm phụ huynh của trường Everest.

Đặc biệt là phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình trước cách làm của một số cơ quan quận Bắc Từ Liêm, phường Cổ Nhuế 1 khi nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng trên địa bàn quận thì xử lý chậm chạp, trong khi nhà trường xây dựng nhà đa năng, bể bơi cho học sinh lại đang bị gây khó khăn, không cho thi công.

Điều này có nghĩa hàng trăm học sinh Trường Tiểu học và Trung học Everest phải học tập trong điều kiện thiếu nhà đa năng, bể bơi.

Điều này đi ngược với chủ trương, tinh thần chỉ đạo của các cấp, ngành từ quận đến Trung ương về việc tạo điều kiện tốt nhất hoạt động phát triển thể chất của học sinh, đồng thời giáo dục, rèn kỹ năng chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước.

Nhiều phụ huynh cho rằng, cách làm của một số cán bộ, cơ quan thuộc quận Bắc Từ Liêm quá máy móc, cứng nhắc, không nghĩ đến lợi ích học tập của các cháu học sinh.

Ngày 29/10, trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Mạnh – Đội trưởng Đội Quản lý Trật tự xây dựng đô thị quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Việc này hôm trước nhà trường đang ép móng sai vị trí. Bây giờ chúng tôi phải ngăn chặn và yêu cầu nhà trường làm đúng theo theo giấy phép.

Vị trí được cấp theo giấy phép, tổng mặt bằng, vị trí nhà trường đang xây dựng sai so với giấy phép. Chúng tôi yêu cầu về đúng vị trí. Ép cọc phải lùi về đúng vị trí cũ. Có nghĩa công trình phải tịnh tiến lên phía trên mới đúng giấy phép. Chúng tôi yêu cầu nhà trường xây dựng nhà đa năng về đúng vị trí cũ mới đúng quy hoạch được duyệt hơn”.

Phóng viên nêu việc nhà trường đầu tư xây dựng nhà đa năng, bể bơi trong khuôn viên trường để phục vụ học sinh rèn luyện sức khỏe, chống đuối nước; sự xê dịch vị trí không đáng kể và không gây ảnh hưởng tới ai (vẫn là đất trong trường) thì tại sao lại xử lý máy móc, không cho trường xây dựng?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho hay: “Chúng tôi chỉ quản lý theo giấy phép nhà trường được cấp”.

Trả lời trên của cán bộ quận Bắc Từ Liêm một lần nữa cho thấy vì sao hàng trăm phụ huynh trường Everest không hài lòng và buộc phải gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ, để nhà trường sớm hoàn thành nhà đa năng, bể bơi phục vụ rèn luyện sức khỏe, học tập cho học sinh.

Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cho rằng, vị trí xây dựng nhà đa năng, bể bơi có xê dịch không đáng kể so với quy hoạch tổng thể, nhưng đó không phải là lý do thuyết phục.

Để làm rõ thêm về vấn đề này, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông Đỗ Mạnh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm cũng như ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm phụ trách mảng xây dựng cũng không nhận được phản hồi.

Trước đó, vào ngày 29/10, phóng viên cũng đã liên hệ với ông Chu Mạnh Hà – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) để tìm hiểu sự việc.

Sau khi nghe câu hỏi từ phóng viên, ông Chủ tịch phường Cổ Nhuế 1 trả lời gọn lỏn: “Chúng tôi thực hiện theo quy định của pháp luật”; “Tôi đang bận họp” và cúp máy.

Những gì mà một số cán bộ thuộc các cơ quan trên địa bàn quận Từ Liêm hành xử với sự việc ở trường Everest liệu có đúng với thông điệp của Thủ tướng: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”?

Vũ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/no-luc-cua-chinh-phu-va-hanh-dong-cua-can-bo-quan-bac-tu-liem-post192309.gd