Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) TP Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời tiết bất lợi do sương mù xuất hiện vào ban đêm và sáng sớm trời lạnh, thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn lá, rầy nâu và một số dịch bệnh khác phát triển, gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến đòng trổ, sạ dày bón thừa phân đạm trên trà lúa đông xuân 2019-2020. Chi cục TT&BVTV TP Cần Thơ rất mong nông dân tăng cường giải pháp phòng tránh, ngăn chặn dịch hại xuất hiện, phá hại, làm giảm năng suất lúa…

Bệnh hại trên lúa

Lúa đông xuân (2019-2020) sớm trên địa bàn TP Cần Thơ chuẩn bị cho thu hoạch.

Lúa đông xuân (2019-2020) sớm trên địa bàn TP Cần Thơ chuẩn bị cho thu hoạch.

Sau Tết Nguyên đán, nông dân bắt đầu ra đồng gặt lúa đông xuân 2019-2020. Tại TP Cần Thơ đã có hơn 200ha lúa đông xuân gặt sớm, năng suất bình quân đạt mức khá 65 tạ/ha. Vụ đông xuân 2019-2020, TP Cần Thơ sản xuất hơn 79.200ha, giảm so với vụ đông xuân năm trước hơn 2.000ha. Hiện nay lúa đang làm đòng trổ đến chắc xanh, trong đó trổ đều hơn 27.000ha, giai đoạn chắc xanh hơn 41.000ha, lúa đang chín trên 7.800ha. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Do thời tiết bất lợi, ban ngày nắng nóng, chiều tối lạnh, sương mù xuất hiện nên dễ xuất hiện các bệnh đạo ôn, cháy bìa lá lúa, rầy nâu xuất hiện phá hại. Vào thời điểm này, gia đình tôi cũng như bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời khi bệnh hại xuất hiện…”.

Theo Chi cục TT&BVTV TP Cần Thơ, lúa đông xuân 2019-2020 chủ yếu giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh. Tổng diện tích nhiễm dịch hại 4.491ha (tính đến 30-1-2020), tăng 1.154ha so với tuần trước (trước Tết Nguyên đán)… Trong đó, rầy nâu gây hại diện tích 4.140ha (diện tích nhiễm nhẹ 3.153ha, trung bình 867ha, nặng 120ha) tăng 1.870ha so với tuần qua (trước Tết Nguyên đán), mật số ngoài đồng phổ biến 750-2.500 con/m2, cục bộ mật số cao 10.000 con/m2 ở xã Trung Thạnh, Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ); giai đoạn rầy ấu trùng tuổi 2-4 và thành trùng, gây hại chủ yếu trên trà lúa đòng đến trổ tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt…

Chuột gây hại với diện tích 64ha giảm (tỷ lệ gây hại 5-10%); nấm bệnh đạo ôn gây hại diện tích 59ha, với tỷ lệ bệnh gây hại phổ biến 5-10%, cao 20% phân bố tại các quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền. Ngoài ra, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trà lúa đông xuân còn bị gây hại do sâu cuốn lá 172ha, bệnh cháy bìa lá 32ha, bệnh lem lép hạt 24ha và một số đối tượng: muỗi hành, tuyến trùng… xuất hiện. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV TP Cần Thơ, cho biết: “Các loại bệnh hại xuất hiện trên lúa đông xuân 2019-2020 được ngành nông nghiệp thành phố và các quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phòng trị kịp thời. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nông dân không nên chủ quan mà phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện và có biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả”.

Phòng ngừa dịch hại

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ yêu cầu các cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp các quận, huyện xây dựng kế hoạch thăm đồng thường xuyên và cử cán bộ kỹ thuật, nhân viên TT&BVTV cấp xã, phường, thị trấn kiểm tra đồng ruộng trong thời gian sau Tết, tổ chức chiến dịch cùng nông dân thăm đồng, nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại trên cây trồng, đặc biệt rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh cháy bìa lá… trên lúa, khoanh vùng những nơi có diện tích nhiễm nặng, hướng dẫn các biện pháp phòng trị kịp thời. Các quận, huyện tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thông báo và dự báo tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng vào những ngày sau Tết Nguyên đán; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quản lý dịch hại, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường…

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Thời gian này, lúa đông xuân đang làm đòng trổ, chắc xanh cần hạn chế việc phun thuốc trừ sâu rầy tràn lan khi chưa cần thiết; khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng trong giai đoạn sau Tết để phát hiện sâu bệnh và phòng trị kịp thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc lúa: giữ mực nước 3-5cm trên ruộng lúa và áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, bón cân đối phân đạm, lân, kali (chú ý khi lúa đến giai đoạn trổ, không để ruộng khô nước). Hiện nay rầy nâu ngoài đồng chủ yếu đang ở giai đoạn ấu trùng tuổi 1-3, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ mật số rầy nâu và ổ trứng trong bẹ lúa để sớm phát hiện, có biện pháp quản lý kịp thời, chú ý các biện pháp quản lý dịch hại dựa trên cân bằng sinh thái, không phun ngừa định kỳ làm tăng tính kháng thuốc của rầy nâu và dễ gây bộc phát dịch, ưu tiên các loại thuốc sinh học: nấm xanh (Metarhizium anisopliae), nấm trắng (Beauveria bassiana) để khống chế rầy nâu, tạo nguồn thiên địch trên đồng lúa. Trên các ruộng mật số rầy nâu cao khuyến cáo nông dân phun thuốc đặc trị, nhưng khi phun thuốc cần hạ thấp cần phun và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc. Nông dân tuyệt đối không phun các loại thuốc trừ sâu có chứa hoạt chất Acetamiprid khi lúa trổ, vì về sau thuốc sẽ lưu tồn trong hạt gạo; đồng thời không sử dụng nhớt pha trộn với thuốc trừ sâu rầy đưa vào ruộng vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và môi trường…

Đối với bệnh đạo ôn lá và bệnh đạo ôn cổ bông, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra phát hiện sớm vết bệnh để tiến hành xử lý kịp thời. Trên những trà lúa trổ và ở những ruộng lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn trước đó, nông dân nên phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ đều. Trên những chân ruộng nhiễm bệnh cháy bìa lá có thể sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị và cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện để đạt hiệu quả cao, khi phun cần hạ thấp cần phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá và phun thuốc vào chiều mát, khô ráo…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/no-luc-cham-soc-bao-ve-lua-dong-xuan-a117679.html