Nỗ lực chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030, Việt Nam cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Đây cũng chính là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, cấp thuốc ARV tại Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Dung

Người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, cấp thuốc ARV tại Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Dung

Để đạt được mục tiêu, cần phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1 ngàn ca mỗi năm vào năm 2030. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.

* Nhiều kết quả tích cực

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa cho hay, 9 tháng của năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 754 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh khoảng 6 ngàn người. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 5,3 ngàn người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (gồm hơn 1,7 ngàn trường hợp đang điều trị tại TP.HCM và hơn 3,6 ngàn người đang được quản lý tại địa phương). Số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV là hơn 4,8 ngàn người. Số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp đạt 97%.

Kết quả trên cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Y tế cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, những tổ chức nước ngoài đã tài trợ các dự án phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phải kể đến những cán bộ y tế trực tiếp làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 35 triệu người nhiễm HIV, 1,5 triệu người chết do AIDS. Tại Việt Nam, hiện có hơn 220 ngàn người nhiễm HIV hiện đang còn sống và hơn 100 ngàn người nhiễm HIV đã tử vong. Số người nhiễm HIV ở các tỉnh phía Nam chiếm hơn 60% số người nhiễm HIV cả nước.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 3,5 ngàn trường hợp nhiễm HIV/AIDS, cao nhất trong tỉnh. Trong đó, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống đang được quản lý là 755 người, số người đã tử vong là hơn 1,3 ngàn người, còn lại không tìm thấy và không quản lý được.

Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS, thời gian qua, TP.Biên Hòa đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: phát bơm kim tiêm, phát bao cao su, tiếp cận cộng đồng, giáo dục đồng đẳng, cai nghiện bắt buộc, triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức 2 điểm uống thuốc methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện và 1 điểm cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng ở Trạm Y tế P.Tam Hiệp.

Trong khi đó, tại TP.Long Khánh có 621 người nhiễm HIV/tổng số 717 người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, số trường hợp tử vong do HIV/AIDS là 348 người, số người đang được quản lý là 317 người. Các cơ quan chức năng của TP.Long Khánh thường xuyên duy trì các hoạt động phát bơm kim tiêm, bao cao su cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Người nhiễm HIV và người có nguy cơ nhiễm HIV được tư vấn, xét nghiệm thuận lợi.

* Cần quyết tâm cao hơn nữa

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho rằng, mặc dù kết quả phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song công tác này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguồn kinh phí, tài trợ từ các dự án nước ngoài bị cắt giảm, buộc phải huy động nguồn lực trong nước. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người nhiễm HIV về lợi ích của công tác điều trị ARV còn hạn chế. Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS tuy giảm đáng kể nhưng vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, việc tiếp cận để chia sẻ tình trạng bệnh của bệnh nhân nhiễm HIV còn khó khăn. Mặt khác, việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn hạn chế vì đa phần phụ nữ mang thai đến khám và quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế tư nhân…

Do đó, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuyên truyền để các bệnh nhân thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế nhằm đạt tỷ lệ 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế cần thiết.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa chia sẻ, thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các điểm uống methadone cai nghiện cho các đối tượng nghiện hút ma túy trên địa bàn. Đồng thời, thành phố triển khai các biện pháp tiếp cận cộng đồng, tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao để đưa đi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm bệnh và có hướng điều trị dự phòng hữu hiệu, chống lây nhiễm trong cộng đồng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và hướng dẫn các phòng khám tư nhân thực hiện các biện pháp an toàn trong khám, chữa bệnh, tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân.

“Đặc biệt, lực lượng công an, đoàn kiểm tra liên ngành trên lĩnh vực văn hóa, thông tin và tệ nạn xã hội (Đoàn liên ngành 814) của TP.Biên Hòa và các phường, xã sẽ tập trung đấu tranh, triệt phá các tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy như: quán karaoke, massage, quán bar, nhà nghỉ… trên địa bàn” - ông Nguyễn Duy Tân nói.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202011/no-luc-cham-dut-dich-benh-hivaids-3031945/