Nỗ lực cao độ để chấm dứt dịch bệnh AIDS

Năm 2020 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam đối phó với dịch HIV/AIDS và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thế giới ghi nhận.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu “3 giảm”, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS. Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt chiến lược phòng, chống HIV/AIDS.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng. Để thể hiện quyết tâm chấm dứt AIDS tại Việt Nam, ngày 14-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg. Chiến lược đưa ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 có sự kế thừa từ Chiến lược giai đoạn 2011-2020, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

 Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại Hà Nội. Ảnh: THU TRANG

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại Hà Nội. Ảnh: THU TRANG

Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), với mục tiêu đặt ra là “chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Khó khăn lớn nhất là về nhận thức bởi nhiều người không thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ quan, lơ là trong phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế gần đây đã có một số người, một số địa phương chủ quan cho rằng Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch HIV/AIDS nên không cần quá quan tâm hay đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nữa. Trong khi các chuyên gia đều cảnh báo dịch HIV có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Khó khăn thứ hai là tình hình dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát; đến nay, thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn. Việt Nam ước tính còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chính họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Chính vì vậy, họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng. Cùng với đó là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, dẫu 30 năm qua, Việt Nam đã có sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn tới, nguồn này cắt giảm mạnh, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn Trung ương và địa phương.

Tất nhiên khó khăn nào cũng sẽ có hướng giải quyết. Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Việt Nam có sự cam kết, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, đồng thời có kinh nghiệm 30 năm đối phó với HIV/AIDS, nhất là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã đề ra, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS; trong đó có điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định. Mở rộng điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và các tổ chức hợp pháp khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám, chữa bệnh; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng...

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/no-luc-cao-do-de-cham-dut-dich-benh-aids-640304