Nỗ lực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân da cam

Chiến tranh đã qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học, trong đó có chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn rất nặng nề.

Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng triệu người ngày đêm vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Di chứng của chất độc da cam truyền qua nhiều thế hệ, Việt Nam đã có những nạn nhân của chất độc này ở thế hệ thứ 4. Những năm qua, công tác chăm sóc cho các nạn nhân luôn được toàn xã hội quan tâm, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế đã cùng chung tay với người dân Việt Nam để chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân...

Bám sát từng hoàn cảnh để hỗ trợ kịp thời

Thăm hỏi, tặng quà nạn nhân Tạ Xuân Viên, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam luôn xác định: Các nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, nghèo nhất trong những người nghèo, họ rất cần sự chia sẻ, quan tâm của xã hội, cộng đồng.

Ngay từ khi ra đời năm 2004 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tập trung triển khai toàn diện các hoạt động: Xây dựng phát triển hệ thống tổ chức Hội các cấp; tham mưu, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách; vận động nguồn lực xây dựng Quỹ; tuyên truyền... nhằm cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân da cam.

Trên thực tế, đa số nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, có nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát… Sức khỏe, mức sống của các gia đình nạn nhân da cam đều thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực cho biết: Đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới tại 63/63 tỉnh, thành phố; gần 700 cơ sở cấp quận, huyện; hơn 6.500 cơ sở cấp xã phường và rất nhiều chi hội địa phương. Các cấp hội đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, làm dịu bớt nỗi đau bệnh tật, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, để nạn nhân da cam vượt qua đói nghèo. Một mặt, Hội chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách chăm sóc nạn nhân; mặt khác vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Hội vừa trực tiếp hỗ trợ vừa khuyến khích, động viên các nạn nhân vượt qua nỗi đau, tự vươn lên bằng chính sức mình để nuôi sống bản thân và gia đình.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thế Lực, mạng lưới cơ sở như vậy là điều kiện tốt để Hội bám sát từng hoàn cảnh thực tế của nạn nhân, từ đó có những phản ánh, hỗ trợ kịp thời.

Hằng năm, Nhà nước đã dành hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam

Tập trung giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Hiện có gần 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Họ cũng được hưởng chính sách ưu đãi khác về y tế, giáo dục, điều dưỡng, nhà ở... Đời sống của các gia đình nạn nhân chất độc hóa học đã được cải thiện đáng kể, một số gia đình đã có mức sống khá. Trong những năm gần đây, các chương trình xã hội đã tập trung hướng tới giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có lương, hoạt động ở vùng “nóng” về chất độc hóa học sau tháng 4/1975...

Nạn nhân da cam được dạy nghề và làm việc tại Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 26 Trung tâm bảo trợ xã hội; hơn 4.270 nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trợ cấp hơn 6.500 suất học bổng; trợ giúp tìm việc làm cho 885 suất; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ tết, cho hơn 1,7 triệu người.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Thế Lực cho biết: Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đa phần có sức khỏe, trí tuệ rết kém nên cần được hỗ trợ rất lớn trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc vận động nguồn lực hỗ trợ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để có nguồn quỹ sử dụng khi cần thiết, ở một số tỉnh thành các hội viên tự nguyện đóng góp tùy theo năng lực. Nguồn quỹ này được sử dụng để trang trải cho các hoạt động của Hội; cho hội viên vay với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất... Những việc làm này góp phần động viên, giải quyết nhu cầu cấp thiết cho nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam. Việc hỗ trợ sản xuất của Hội đã tạo được nguồn thu nhập thường xuyên cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Minh Huệ

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/no-luc-cai-thien-doi-song-vat-chat-tinh-than-cho-cac-nan-nhan-da-cam-20180810071834162.htm