Nỗ lực cải cách

Sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam liên tục được cải thiện.

Cụ thể, các bộ đã trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 68,2% tổng số điều kiện kinh doanh, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ.

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính.

Dù đã có sự chuyển động mạnh mẽ, song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh lại giảm so với năm 2017 dù điểm số trên bảng xếp hạng có tăng.

Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam xếp thứ 104/190, tăng 19 bậc so với vị trí 123 của năm ngoái. Tính về điểm số, tổng điểm của Việt Nam ở chỉ số này là 84.82, cao hơn mức điểm trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (83.29). Malaysia, Indonesia, Philippines và Lào đứng sau Việt Nam trong chỉ số này. Chỉ số thăng hạng ấn tượng nhất thuộc về Chỉ số tiếp cận điện, tới 37 bậc, từ 64 lên 27/190.

Nhưng các chỉ số còn lại là thuế và bảo hiểm xã hội, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản đều chưa có bứt phá, tính cả ở điểm số và thứ hạng. Đặc biệt, thuế và bảo hiểm xã hội đã tụt hạng khá dài, từ vị trí 86 xuống vị trí 131.

Năm ngoái, Việt Nam được ghi nhận thực hiện 5 cải cách, ghi được 67,93 trên thang điểm 10, nên đã có bứt phá ngoạn mục, tăng tới 14 bậc. Tuy nhiên, năm nay, dù tổng điểm của Việt Nam có tăng từ 66,77 lên 68,36, nhưng không bằng nhiều nền kinh tế khác, khiến Việt Nam phải lui 1 bước trong bảng tổng sắp. Mục tiêu lọt vào top 4 của ASEAN về môi trường kinh doanh vẫn chưa đạt được.

Vậy vì sao thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của WB và WEF lại giảm? Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, nỗ lực của chúng ta là có thật, nhiều thủ tục được cắt giảm, nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ. Nhưng, vấn đề là các nước khác cũng cải cách như Việt Nam nhưng họ cải cách mạnh hơn.

Vậy mục tiêu vào ASEAN 4 của Việt Nam có thành hiện thực hay không? Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có rất nhiều dư địa để cải cách, có nhiều chỉ số ở xếp hạng thấp, chất lượng chưa cao thì dư địa để cải cách là lớn. Vì vậy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu lọt vào ASEAN 4, nhưng việc không thực hiện được lại cho thấy nỗ lực là chưa đủ để đạt được mục tiêu này.

Để đạt được mục tiêu vào top 4 của ASEAN 4 không còn cách nào khác cần nỗ lực, nỗ lực hơn nữa trong thực thiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tại cuộc họp mới đây bàn về những điểm mới trong Nghị quyết 19 năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ căn bản đó là: Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách đã thực hiện trong năm 2018; thực hiện cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các bộ, ngành cũng cần chủ động đề xuất các “điểm nhấn” trong nhóm nhiệm vụ, công việc, lĩnh vực thuộc bộ, ngành mình. Đây là nhiệm vụ mới, phải tập trung làm cho bằng được, chứ không chỉ đặt ra chung chung được.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tinh thần chủ đạo của Nghị quyết 19 năm 2019 là “bàn tiến chứ không bàn lùi”. Nội dung Nghị quyết không quá dài nhưng phải làm rõ các nhiệm vụ, có các đề án cụ thể kèm theo với tinh thần thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, duy trì tốc độ tăng trưởng và các mặt đời sống xã hội. Đồng thời các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”, thể hiện khát vọng dân tộc.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 19, nếu xét từ phía các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết này thì không còn cách nào khác là phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Bên cạnh đó, tư duy thực thi cũng cần thay đổi. Các bộ, ngành liên quan phải thực hiện Nghị quyết này không phải vì tuân thủ yêu cầu của Chính phủ mà phải coi đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, đối với sự phát triển kinh tế. Song song đó, nếu bộ, ngành nào không đạt mục tiêu đề ra cũng cần xem xét về mặt kỷ luật hành chính như trong các Nghị quyết 19 đã đề ra, đó là xác định trách nhiệm của người đứng đầu có như vậy mới hiện thực hóa được những mục tiêu chúng ta đã đề ra.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/no-luc-cai-cach-tintuc425458