Nỗ lực bảo tồn, phục tráng giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao

Bảo tồn hướng tới phát triển các giống cây trồng bản địa góp phần lưu giữ nguồn gen quý và mở ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm cây bản địa có giá trị kinh tế cao.

Giống bưởi Luận Văn được bảo tồn và phát triển ở xã Thọ Xương (Thọ Xuân).

Trong vụ mùa 2015, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp (nay thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã tiến hành thu thập, đánh giá, lấy mẫu 20 kg lúa của 20 hộ dân trồng lúa nếp cái hạt cau tại hai xã Thạch Bình và Thạch Đồng (Thạch Thành) để nghiên cứu, sàng lọc. Qua đó, trung tâm chọn được 12 kg hạt lúa có màu sắc hạt gạo, hương thơm phù hợp với bản mô tả giống lúa nếp hạt cau gốc đang lưu trữ tại trung tâm. Từ nguồn vật liệu thu thập được, trung tâm tiến hành gieo trồng 500 cá thể theo dõi, trong đó có 250 cá thể đúng với mô tả giống gốc. Từ đó, trung tâm tiến hành so sánh các chỉ tiêu hình thái của hạt với bản mô tả gốc, đánh giá độ dẻo, hương thơm của giống để chọn lọc 48 dòng ưu tú tiếp tục gieo ở các vụ mùa tiếp theo. Đến nay, lúa nếp cái hạt cau là giống lúa bản địa quý được nhân rộng ra ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân, Cẩm Thủy... Theo người dân xã Thạch Bình (Thạch Thành), giống nếp hạt cau có thời gian sinh trưởng từ 147-150 ngày, vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, năng suất đạt 50 tạ/ha. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, lúa nếp cái hạt cau được nhiều người ưa chuộng. Lúa nếp cái hạt cau chế biến được nhiều sản phẩm, như: Rượu nếp cái hạt cau, sản phẩm gạo, bánh từ nếp hạt cau...

Thực hiện công tác bảo tồn và phát triển giống cây trồng bản địa, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã nghiên cứu kế thừa kết quả lai tạo lúa lai, lúa thuần chọn được 100 cá thể ở thế hệ F2 - F9 và 6 dòng thuần ưu tú ở thế hệ F5 - F9. Tổ chức nhân sơ bộ các dòng lúa thuần triển vọng và các dòng bố mẹ của tổ hợp lai triển vọng và thu được hơn 300 kg hạt giống phục vụ công tác lai tạo, giữ gìn nguồn gen. Hiện Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đang lưu giữ, chăm sóc và theo dõi sinh trưởng 5 cây bưởi Luận Văn S0, 27 cây bưởi Luận Văn S1 - đây là những giống cây ăn quả đầu dòng để nhân giống. Đồng thời, lưu trữ các giống cây mía, phong lan, hoa đồng tiền, chuối, lan kinh tuyến, hoa chuông; lưu trữ các giống nấm, như: Sò trắng, sò nâu, sò yến, nấm linh chi hồng, linh chi đỏ, quýt vòi... Ông Lê Khắc Chiến, Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Từ những sản vật sẵn có của tỉnh, có khả năng sản xuất hàng hóa, viện sẽ tổ chức khảo nghiệm để tuyển chọn các giống cây áp dụng khoa học – công nghệ vào để tiến hành thí nghiệm, nhân giống. Chọn tạo và phát triển các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Thực hiện đánh giá các giá trị nguồn gen giống cây bản địa, các giống cây trong tự nhiên có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức và thoái hóa giống, khả năng phục hồi chậm hoặc không còn khả năng phục hồi... Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục tráng, khai thác, phát triển nguồn gen, giống cây bản địa; xây dựng thương hiệu và phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương cho một số cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao.

Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen cây trồng bản địa có giá trị cao không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh mà còn mang giá trị văn hóa, bảo tồn những sản vật quê hương. Thời gian tới, các sở, ngành có liên quan của tỉnh tiếp tục thu thập các nguồn gen bản địa quý hiếm; đánh giá, chọn lọc, phục tráng và tư liệu hóa các mẫu gen quý hiếm để lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống và mở rộng sản xuất. Thực hiện hỗ trợ phát triển các nguồn gen quý của địa phương và có khả năng phát triển hàng hóa; xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu các sản phẩm có nguồn gốc đặc thù địa phương; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nhân giống và xây dựng các mô hình nhằm khai thác, phát triển nguồn gen, giống cây bản địa.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/no-luc-bao-ton-phuc-trang-giong-cay-ban-dia-co-gia-tri-kinh-te-cao/115759.htm