Nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững loài Thằn lằn cá sấu quý hiếm

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tây Yên Tử (Bắc Giang) không chỉ là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao về thành phần loài mà còn là nơi phân bố của nhiều loài thực vật rừng, động vật rừng đặc hữu, quý, hiếm. Trong đó, có loài Thằn lằn cá sấu loài động vật cực kỳ quý hiếm ở trên thế giới.

Thằn lằn cá sấu vô cùng quý hiếm hiện đang được bảo tồn KBTTN Tây Yên Tử

Loài động vật cực quý, hiếm

Trước đây, loài Thằn lằn cá sấu được biết đến chỉ phân bố ở một số khu vực của Trung Quốc nên được coi là loài đặc hữu của quốc gia này. Tuy nhiên, năm 2003, loài Thằn lằn cá sấu lần đầu tiên được ghi nhận phân bố ở dãy núi Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Vừa qua, theo khảo sát, nghiên cứu cho thấy khu vực phân bố của loài Thằn lằn cá sấu rất hẹp, với số lượng rất hạn chế khoảng từ 100 – 150 cá thể, tại KBTTN Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.

Vì vậy, ngày 24/02/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT Ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2017. Theo đó, loài Thằn lằn cá sấu thuộc Phụ lục I của Công ước CITES (là Danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại).

Trước đó, ngày 11/6/2014, loài Thằn lằn cá sấu phân bố ở KBTTN Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang đã được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp hạng ở bậc Nguy cấp (EN) trong Danh lục đỏ thế giới.

Thằn lằn cá sấu trở thành biểu tượng của KBTTN Tây Yên Tử

Nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững

Trong những năm qua, Ban Quản lý KBTTN Tây Yên Tử đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại đây nói chung và loài Thằn lằn cá sấu nói riêng.

Trong đó, Ban Quản lý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi họp thôn, bản, in tờ rơi tuyên truyền về việc bảo tồn các loài các loài thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm phân bố trong KBTTN Tây Yên Tử. Đặc biệt là các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như Thằn lằn cá sấu, Cá cóc Việt Nam, Ếch Yên Tử… Từ đó, thay đổi hành vi của người dân địa phương sống gần rừng, nhằm làm giảm thiểu hoạt động khai thác gỗ, cũng như săn, bắt động vật hoang dã trái phép.

Cùng với đó, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra rừng, giám sát động vật hoang dã; lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng, đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh, nhằm bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có, đặc biệt là sinh cảnh sống của quần thể loài Thằn lằn cá sấu; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn.

Mặt khác, Ban Quản lý KBTTN Tây Yên Tử đã phối hợp với các cơ quan liên ngành cả trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động điều tra, giám sát quần thể Thằn lằn cá sấu phân bố tại Khu bảo tồn, nhằm quản lý, theo dõi sự biến động của chúng, từ đó đánh giá thực trạng và xây dựng cơ sở bảo tồn loài động vật rừng quý, hiếm này.

Được biết, năm 2014, hình ảnh Thằn lằn cá sấu, cùng dãy núi Yên Tử đã chính thức được lấy làm biểu tượng cho Khu BTTN Tây Yên Tử. Qua đó, góp phần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước về tiềm năng, giá trị bảo tồn; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, nêu cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát triển bền vững loài Thằn lằn cá sấu quý, hiếm phân bố tại Khu BTTN Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.

Dương Đại Tiến

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/no-luc-bao-ton-phat-trien-ben-vung-loai-lan-ca-sau-quy-hiem/