Nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã, đồng thời trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học.

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Các loài động, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái; góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người.

 Các cá thể gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được sống cùng đồng loại trong một môi trường bán hoang dã (Ảnh: ENV)

Các cá thể gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được sống cùng đồng loại trong một môi trường bán hoang dã (Ảnh: ENV)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta đang tiếp tục trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường… Do đó, việc tăng cường bảo tồn các loài hoang dã hiện nay được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế về bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học. Theo đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp…

Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã. Trong đó, Luật đa dạng sinh học là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với khung pháp luật, thể chế quản lý, bảo vệ và phát triển các loài sinh vật cũng dần được hoàn thiện với việc phân công, phân cấp rõ ràng.

Song song với việc xây dựng và ban hành các quy định, chính sách pháp luật, các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã. Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2018, từ năm 2015-2017, Tòa đã thụ lý 231 vụ vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 339 bị cáo, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm.

Thời gian qua, công tác bảo tồn các loài hoang dã cũng được gắn liền với quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên. Tính đến năm 2018, trên cả nước có 172 khu bảo tồn thiên nhiên ở các vùng địa lý trên đất liền và các vùng sinh thái biển. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng và triển khai các chương trình và mô hình về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm như: Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022; Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng, ngoài những nỗ lực trên, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài hoang dã trong thời gian qua cũng đã được đẩy mạnh với sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/no-luc-bao-ton-cac-loai-hoang-da-va-da-dang-sinh-hoc-116046.html