Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam được quốc tế ghi nhận

Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, cụ thể theo xếp hạng năm 2015 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 60/188 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 9 – 2017, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện bình đẳng giới.

Hiến pháp khẳng định công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Nguyên tắc hiến định về bình đẳng giới tiếp tục thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Việt Nam có một luật riêng là Luật bình đẳng giới nhằm tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Luật ban quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, nỗ lực thực hiện bình đẳng giới (ảnh minh họa, theo hoahoctro.vn)

Nguyên tắc không phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới và việc bảo đảm thực hiện bình đẳng giới được quy tại các văn bản, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Luật giáo dục quy định mọi công dân không phân biệt nam, nữ đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Để đảm bảo tỷ lệ đại diện hợp lý của nữ giới trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân quy định phải đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; Luật phòng chống bạo lực gia đình ghi nhận nguyên tắc ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Việt Nam cũng luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đang được thực hiện hiệu quả. Năm 2016, Việt Nam tổ chức tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trên cơ sở giới trên phạm vi toàn quốc.

Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, cụ thể theo xếp hạng năm 2015 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 60/188 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/no-luc-bao-dam-binh-dang-gioi-cua-viet-nam-duoc-quoc-te-ghi-nhan-118436.html