Nỗ lực bảo đảm an toàn đường sắt

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng mở đường ngang dân sinh tự phát, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Còn 149 lối đi bất hợp pháp

Theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn 244 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó số điểm giao cắt hợp pháp là 84, còn lại 149 vị trí là lối đi dân sinh. Năm 2018, địa phương đã phối hợp với ngành Đường sắt rào đóng được 6 vị trí lối đi dân sinh; tổ chức cắm 298 biển báo “Chú ý tàu hỏa”, rào thu hẹp 105 lối đi tự mở.

Một lối đi dân sinh tự phát nằm trên địa bàn huyện Cam Lâm.

Cơ quan chức năng nhận định, việc rào đóng các lối đi dân sinh gặp khá nhiều khó khăn, bởi hầu hết các lối đi này nằm sát nhà dân, trong khi nhiều đoạn chưa có đường gom nên người dân tự ý mở lối để băng qua đường sắt. Nhiều trường hợp, địa phương rào đóng được vài ngày thì người dân lại mở một lối đi khác gần đó.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh triển khai cảnh giới tại 13 lối đi dân sinh theo yêu cầu của Cục Đường sắt Việt Nam. Hiện nay, các vị trí này thực hiện tốt việc cảnh giới, có sự hỗ trợ về nghiệp vụ của Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh. Công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đào tạo nhân lực cảnh giới cho 19 lối đi tự mở, cung cấp đầy đủ trang thiết bị cần thiết để địa phương phòng vệ tại các lối đi dân tự mở.

Khó khăn xây dựng gồ giảm tốc

Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 11 người chết, 2 người bị thương (tăng 3 vụ, 3 người chết và 3 người bị thương so với năm 2016), 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ làm 4 người chết, giảm 5 vụ và giảm 4 người chết so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, nhiều vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ hợp pháp trên địa bàn tỉnh có những bất cập cần giải quyết như: điểm cắt ngang đường sắt đường bị xuống cấp, thiếu các gờ, gồ giảm tốc bảo đảm an toàn, thiếu điện chiếu sáng… Những bất cập này đã được Bộ GTVT chỉ ra sau nhiều lần khảo sát tại Khánh Hòa. Địa phương cũng rất nỗ lực khắc phục, tuy nhiên hiện nay gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí triển khai.

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh cho biết, đối với việc triển khai xây dựng gờ, gồ giảm tốc theo thứ tự ưu tiên, ban đã phối hợp với Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh và đơn vị tư vấn đi kiểm tra hiện trường tại 53 vị trí đường ngang giao cắt đường bộ với đường sắt. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên đến nay địa phương mới chỉ thực hiện được 2 trong số 13 vị trí đường ngang ưu tiên 1 theo đề xuất của Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Đối với 11 vị trí còn lại, Sở GTVT đã phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng, sẽ triển khai trong thời gian tới.

Hiện nay, tình hình nguồn vốn trung hạn của tỉnh gặp nhiều khó khăn, vì vậy để bố trí kinh phí xây dựng gồ giảm tốc tại các vị trí giao cắt không đơn giản. Địa phương đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí xây dựng gờ, gồ giảm tốc tại các vị trí này để bảo đảm ATGT. Đồng thời, các năm tiếp theo, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan phân bổ đủ 35% nguồn thu phí sử dụng đường bộ cho địa phương triển khai tiếp 23 vị trí còn lại cần xây dựng gờ, gồ giảm tốc theo yêu cầu của Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 33,3 tỷ đồng.

THÀNH NAM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201810/no-luc-bao-dam-an-toan-duong-sat-8094194/