Nợ của chính quyền địa phương vẫn có thể bị lạm dụng

Bất cứ khó khăn về thực hiện nghĩa vụ trả nợ nào của chính quyền địa phương cũng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ngân sách quốc gia.

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả, một chuyên gia tài chính từng làm việc nhiều năm ở Singapore, Nhật Bản.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Nghị định này có những quy định được thiết kế dường như để quản lý, khống chế việc vay mượn của chính quyền địa phương một cách hữu hiệu.

Nguy cơ "lách" quy định

Tuy nhiên, phân tích sâu xa hơn thì có thể thấy chính quyền địa phương vẫn có cách “lách” để vay mượn quá mức quy định.

Cụ thể, về nguyên tắc vay của chính quyền địa phương, Nghị định 93 quy định rằng vay của chính quyền địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, theo quy định này, chính quyền địa phương sẽ không được phép vay cho những mục đích khác gồm, ví dụ, chi trả thường xuyên (trả lương và trợ cấp cho bộ máy quản lý chính quyền), là khoản đang được cố gắng hạn chế và cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ.

Theo TS Phan Minh Ngọc, chính quyền địa phương vẫn có cách “lách” để vay mượn quá mức quy định .

Tuy nhiên, giả sử chính quyền địa phương không muốn, không tích cực, tự giác hạn chế và cắt giảm biên chế, tiếp tục chi trả và chi trả ngày càng nhiều hơn cho hạng mục chi tiêu này (luôn với những lý do cực kỳ “hợp lý”, không thể bác bỏ được).

Để thực hiện được việc này trong khi nguồn chi, cấp phát từ ngân sách bị hạn chế, chính quyền địa phương sẽ cắt giảm phần chi ngân sách địa phương (và/hoặc từ Trung ương) phân bổ cho phát triển, dành nguồn ngân sách này cho chi thường xuyên. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ tìm cách bổ sung, đề xuất và (vận động) phê duyệt các khoản vay với mục đích đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Với cách làm này, chính quyền địa phương vừa duy trì được một bộ máy quản lý như và thậm chí lớn hơn hiện tại, vừa vẫn thu xếp được vốn đầu tư như đã lên kế hoạch.

Rất khó ngăn cản việc lách luật khi các địa phương dẫn chiếu quy định và khẳng định đã và đang làm đúng quy trình, đáp ứng điều kiện vay.

Dù có thể có một cơ quan chức năng nào đó ở địa phương và/hoặc Trung ương không “thích”, không chấp nhận kiểu lách luật này và tìm cách ngăn cản, (gây áp lực) hủy bỏ việc này nhưng sẽ là rất khó khăn cho cơ quan này khi chính quyền địa phương viện dẫn điều 52 Luật quản lý nợ công (về điều kiện vay của chính quyền địa phương), cũng là điều luật mà Nghị định 93 yêu cầu tuân thủ, để khẳng định rằng chính quyền địa phương đã và đang làm đúng quy định, quy trình, đáp ứng được điều kiện vay.

Tất nhiên là sẽ có trường hợp chính quyền địa phương vay mượn đã chạm trần vay mượn đã được Quốc hội quyết định hàng năm và/hoặc Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan khác, gây khó cho phương cách lách luật trên. Dẫu vậy, do tư duy và tính chất nhiệm kỳ, cũng như việc các cơ quan chức năng khó có thể cương quyết từ chối phê chuẩn đề xuất vay với mục đích được nêu rõ là để chi cho phát triển kinh tế xã hội của chính quyền địa phương. Từ đó, việc vay mượn hầu như vẫn diễn ra, để lại hậu quả, nếu có, cho các nhiệm kỳ tiếp theo của chính quyền địa phương/Trung ương giải quyết.

Ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe ngân sách quốc gia?

Khi chính quyền địa phương vay mượn, nhiều người nghĩ rằng việc vay mượn này diễn ra ở cấp địa phương nên không ảnh hưởng đến sự ổn định và mức độ tín nhiệm của ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không chỉ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Họ còn vay mượn từ các nguồn liên hệ chặt chẽ với ngân sách như ODA, và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Vì thế, bất cứ khó khăn về thực hiện nghĩa vụ trả nợ nào của chính quyền địa phương cũng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ngân sách quốc gia.

Đáng tiếc là trong quy định hiện nay không thấy nêu về trình tự ưu tiên trả nợ chính quyền địa phương theo nguồn vay (chẳng hạn phải ưu tiên trả nợ vay từ Chính phủ trước khi trả nợ các nguồn khác).

Các chính quyền địa phương không có động cơ, không bị bắt buộc phải công bố đầy đủ thông tin về nợ do không có chế tài nghiêm khắc với vi phạm.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ có ý định đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc vay nợ của chính quyền địa phương với quy định tại điều 18 Nghị định 93 yêu cầu chính quyền địa phương công bố thông tin về nợ của chính quyền địa phương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng lại không có điều khoản nào quy định đối tượng, hình thức và mức độ xử lý vi phạm khi quy định về công bố thông tin này bị vi phạm.

Nói cách khác, các bộ, ngành và tổ chức kinh tế khác, chính quyền địa phương không có động cơ, không bị bắt buộc phải công bố (đầy đủ theo quy định) thông tin về nợ của mình do không có chế tài nghiêm khắc với hành vi vi phạm của họ. Do đó, việc vay mượn của chính quyền địa phương càng dễ bề bị lạm dụng, sử dụng sai nguyên tắc.

Tóm lại, với một số lỗ hổng và thiếu sót, quy định mới về quản lý nợ của chính quyền địa phương đứng trước nguy cơ không thể ngăn chặn hữu hiệu việc lạm dụng vay nợ chính quyền địa phương để phục vụ lợi ích cá nhân hay nhóm, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của ngân sách quốc gia.

Ông Phan Minh Ngọc là chuyên gia tài chính, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế ĐH Kyushu (Nhật Bản). Ông từng là Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu doanh nghiệp chi nhánh Singapore của Ngân hàng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) giai đoạn 2007-2018. Từ năm 2014 đến 2017, ông giảng dạy và nghiên cứu kinh tế quốc tế tại ĐH Kyushu (Nhật Bản). Ông cũng từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 1994-1997.

Phan Minh Ngọc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/no-cua-chinh-quyen-dia-phuong-van-co-the-bi-lam-dung-post878536.html