Nợ công Mỹ cao kỷ lục, doanh nghiệp ồ ạt vay mượn

Nợ công Mỹ cao kỷ lục từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Mỹ gia tăng vay nợ 750 tỷ USD.

Mới đây, trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, chuyên gia kinh tế Bartholomeusz cho thấy, tại các nền kinh tế phát triển - đáng chú ý nhất là Mỹ, nợ đã ở ngưỡng cao lịch sử ngay từ trước khi đại dịch bùng phát.

Nợ công của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.

Nợ công của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.

Ở Mỹ, thâm hụt ngân sách liên bang đang phát triển từ mức dưới 1.000 tỷ USD vào tài khóa trước lên ngưỡng 3.700 tỷ USD trong tài khóa hiện tại, với khả năng có thể tăng cao hơn nữa nếu xuất hiện thêm một gói hỗ trợ tài chính khác.

Nợ công của Mỹ đã ở mức 16.800 tỷ USD trong năm 2019. Vào tháng trước, con số này là 20.300 tỷ USD và dự báo sẽ đạt khoảng 26.500 tỷ USD trong tháng này, khi các chính sách tài khóa ban đầu để ứng phó với đại dịch được triển khai.

Báo cáo của nhà quản lý quỹ toàn cầu Janus Henderson cuối tuần qua cho thấy, những khoản vay mượn của các công ty toàn cầu đã tăng 8,1%, lên mức kỷ lục 8.300 tỷ USD vào tháng 1/2020, ghi nhập tốc độ tăng nợ nhanh nhất trong vòng 5 năm qua.

Nhưng đó là thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Dự báo, con số này sẽ tăng thêm 12%, tương đương 1.000 tỷ USD trong năm nay, trong đó gần một nửa số nợ mới thuộc về các công ty Mỹ.

Báo cáo của Janus Henderson cho hay, các công ty Mỹ đã vay gần 750 tỷ USD trong quý I/2020.

Thực tế những doanh nghiệp Mỹ có xu hướng thích nợ hơn là bổ sung vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, giới chuyên gia để ý đến một làn sóng hạ xếp hạng tín dụng và sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các công ty lớn vỡ nợ tại Mỹ. Khi hỗ trợ tài chính giảm, mức độ khó khăn của các công ty và thất bại có thể sẽ tăng lên.

Những căng thẳng trong khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì nhiều người trong số đó đã mất đi thu nhập do các lệnh phong tỏa và hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, trong khi lãi suất trên các khoản nợ, ngay cả khi việc thanh toán đã được trì hoãn hoặc tái cơ cấu lại nợ, thì nợ vẫn tiếp tục tăng lên. Nhiều doanh nghiệp khó trụ vững được cho tới khi đại dịch kết thúc.

Đại dịch COVID-19 tạo ra vô số tình huống khó khăn cho các ngân hàng trung ương khi phải cố gắng cân bằng giữa nợ không bền vững, tham vọng tăng trưởng kinh tế và rủi ro từ bong bóng tài chính. Đây là những yếu tố có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Đối với các ngân hàng trung ương, đại dịch rõ ràng đã "khóa" họ vào một môi trường có tỷ lệ từ âm đến cực thấp. Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính của mình. Một tỷ lệ lãi suất thực và tín dụng dồi dào sẽ khuyến khích sức mạnh đòn bẩy và buộc các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ngày càng tăng. Hậu quả là bong bóng đầu cơ có thể xuất hiện.

Để đối phó với những thiệt hại gây ra cho các nền kinh tế thực, các ngân hàng trung ương có thể lại tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác, khi kết hợp giữa mức nợ không bền vững và một bong bóng khổng lồ của thị trường chứng khoán, vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định đại dịch đến một lúc nào đó sẽ kết thúc, nhưng những di sản sẽ còn tồn tại và kéo dài, có thể là trong vòng một thập kỷ tới hoặc thậm chí là một thế hệ sau này vẫn sẽ tiếp tục phải vật lộn với những gì mà khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch đã tạo ra.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/no-cong-my-cao-ky-luc-doanh-nghiep-o-at-vay-muon-3415192/