Nợ công giảm mạnh, tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu Quốc hội giao

Tình hình KTXH tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong đó nổi bật lĩnh vực kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiếp theo xu hướng từ đầu nhiệm kỳ, tình hình thế giới diễn biến phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt. Kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng chưa ổn định; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng; khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Ở trong nước, kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta lớn mạnh hơn nhiều, nhưng vẫn còn những hạn chế, yếu kém tích tụ từ trước; thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2018 với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo. Chính phủ đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018, gồm 9 nhóm với 56 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

“Quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội trên các lĩnh vực; tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách tạo đột phá, thí điểm nhiều mô hình hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng, chú trọng các ngành, lĩnh vực có tiềm năng lớn như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và du lịch, dịch vụ.

Chính phủ cũng đã tiến hành tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, đầu tư, logistics, phát triển kinh tế ngành, vùng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu...

Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển KTXH”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KTXH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chúng ta đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển KTXH.

Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4% . Tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%). Thị trường trong nước được chú trọng phát triển; thương mại điện tử tăng bình quân 30%/năm . Quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Thu NSNN ước cả năm vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN.

Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%) và kế hoạch 2016 - 2020 (25 - 26%).

Mặc dù hàng năm vẫn bảo đảm nguồn tăng lương cơ sở 7% nhưng tỷ trọng chi thường xuyên vẫn giảm còn 63,3%, thấp hơn đầu nhiệm kỳ (năm 2015 là 67,7%) và kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%). Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%), dự kiến đến năm 2020 còn 3,4% (mục tiêu đề ra là dưới 4%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.

Thủ tướng cũng cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%) . Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm ; tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (38,3%). Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đã tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đề ra các giải pháp mới, thu hút chọn lọc hơn, ưu tiên các lĩnh vực chế biến chế tạo, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,91).

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/no-cong-giam-manh-tang-truong-gdp-vuot-chi-tieu-quoc-hoi-giao-post279546.info