Nợ công của Tây Ban Nha tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 20 năm qua

Trong phần lớn thời gian của quý II năm 2020, nền kinh tế Tây Ban Nha ở trong trạng thái 'ngủ đông' do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở Madrid, Tây Ban Nha do dịch COVID-19 ngày 15/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở Madrid, Tây Ban Nha do dịch COVID-19 ngày 15/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu chính thức cho thấy nợ công của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 20 năm trong quý II năm 2020 trong bối cảnh chính phủ chi tiêu “mạnh tay” để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Số liệu của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho thấy tổng nợ của nước này trong quý II năm 2020 ở mức 1.290 tỷ euro (1.500 tỷ USD), tăng so với mức 1.220 tỷ euro hoặc tương đương khoảng 99% GDP trong ba tháng đầu năm 2020.

Trong phần lớn thời gian của quý II năm 2020, nền kinh tế Tây Ban Nha ở trong trạng thái “ngủ đông” do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Maria Jesus Montero cho hay chính phủ nước này đã quyết định sẽ phải tạm "lờ đi" các quy định tài khóa, mà mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần phải tuân thủ, trong năm 2020 và 2021 do những tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Montero cũng khẳng định Tây Ban Nha sẽ duy trì cách tiếp cận "có trách nhiệm về mặt tài chính" bởi các số liệu cho thấy nợ quốc gia tăng vọt lên tương đương khoảng 110% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm 2020, cao hơn giới hạn 60% của EU.

Hồi tháng 5/2020, Chính phủ Tây Ban Nha đã thừa nhận việc kiểm soát đại dịch làm ảnh hưởng đến cán cân ngân sách do nguồn thu sụt giảm trong thời gian phong tỏa và phải "tăng mạnh" chi tiêu để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Chính phủ ước tính tỷ lệ nợ trên GDP của Tây Ban Nha lên tới 115,5% vào cuối năm nay.

Theo quy định, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phải duy trì nợ công không quá 60% GDP và giữ mức thâm hụt dưới 3%. Tuy nhiên, những quy định này đã phải tạm hoãn áp dụng do nhu cầu chi tiêu của chính phủ tăng quá mức vì dịch COVID-19 “tàn phá” các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Tây Ban Nha đã phải kích hoạt một số biện pháp quan trọng để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là kéo dài chương trình hỗ trợ người lao động.

Tây Ban Nha đã rơi vào suy thoái trong quý II khi GDP giảm 18,5% do dịch COVID-19. Trước đó, Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trong quý I/2020 giảm 5,2%.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/no-cong-cua-tay-ban-nha-tang-len-muc-cao-nhat-trong-it-nhat-20-nam-qua/666799.vnp