'Nợ chồng nợ' nữ kế toán mới phát hiện bệnh tâm thần

Do áp lực nợ tiền xây nhà, chị Th 38 tuổi luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi. Những dấu hiệu này kéo dài, chị đi khám bệnh khắp các BV khiến tiền khám bệnh, thuốc nhiều hơn cả số tiền nợ xây nhà mà vẫn không tìm ra bệnh. Bước đường cùng chị đi khám tâm thần và được 'bắt' trúng bệnh.

Kể về ca bệnh này, TS-BS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân làm nghề kế toán, là người có tính cách cầu toàn. Sau khi cưới, 2 vợ chồng bàn nhau xây nhà và phải vay số tiền bằng 1/4 tiền xây. Do chồng đi làm xa ít về nên việc xây nhà, chăm con đều do một tay chị Th đảm nhiệm. Sau một thời gian, chị Th có biểu hiện hay căng thẳng lo lắng; cảm giác đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm khó vào giấc, chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, mỗi khi gặp căng thẳng, bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược.

Với những triệu chứng đó, chị Th đã đi khám ở nhiều nơi, khám ở đâu chị cũng yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệm. Khi thấy kết quả bình thường, chị Th yên tâm một thời gian, về nhà uống thuốc nhưng thấy không đỡ nên lại đi khám bệnh ở cơ sở khác.

Người bệnh đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai. Ảnh T.A

Người bệnh đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai. Ảnh T.A

Trong suốt 4 năm ròng rã, chị Th rất chịu khó đi khám và uống thuốc. Hễ ai mách ở đâu có thầy chữa tốt đều tìm đến, do đó số tiền đi khám chữa bệnh nợ nần còn lớn hơn cả số tiền xây nhà. Chính vì thế chị Th lại càng lo nghĩ nhiều hơn và tình trạng bệnh càng tăng lên. Đến bước cuối cùng gia đình đành đưa chị vào Viện Sức khỏe tâm thần.

Bệnh nhân nhập viện khi hồ sơ khám bệnh với đủ các loại chiếu chụp dày hàng gang tay. Bệnh nhân làm kế toán nhưng đã phải nghỉ việc 1 năm nay do bệnh tật. Sau khi thăm khám chúng tôi thấy bệnh nhân mắc chứng rối loạn dạng cơ thể do tính cách hay lo lắng, cầu toàn. Bệnh này điều trị một thời gian là khỏi, TS Dương Minh Tâm nói.

Một trường hợp khác cũng mắc bệnh do tính cách hay lo lắng, đó là một thanh niên 28 tuổi, làm nghề lái xe, công việc không quá vất vả căng thẳng. Khi chuẩn bị cưới vợ thanh niên này hay lo lắng, suy nghĩ về tiền chuẩn bị đám cưới.

“Bệnh nhân lo lắng quá mức về đám cưới của mình, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không. Bệnh nhân hay lo sợ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình, như là lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường. Mặc dù đám cưới đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man nhiều chủ đề”, BS Dương Minh Tâm chia sẻ.

Suốt 6 tháng từ trước khi cưới đến khi cưới xong, chàng trai này bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình, mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi; cảm giác nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở; ăn uống kém hơn, hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon; đau căng tức đầu…

Sau đó chàng trai đã đi khám ở BVĐK tỉnh, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường. Bệnh tình khiến sức khỏe mệt mỏi, chàng trai phải nghỉ làm. Mãi đến khi không còn biết khám ở đâu, bệnh nhân đã tìm đến Viện Sức khỏe tâm thần và được phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa do stress.

Theo BS Dương Minh Tâm, có hai thể stress, một là stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể (như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm…); hai là stress bệnh nguyên, bệnh phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.

Trên thế giới có khoảng 350 triệu người mắc chứng trầm cảm, hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Các rối loạn liên quan đến stress chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng và ngày một tăng hơn trong xã hội phát triển. Đa số người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh thường phải mất nhiều thời gian đi khám trước khi đến được với chuyên khoa tâm thần gây nên nhiều gánh nặng cho xã hội và người bệnh.

Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

Một cơ thể khỏe mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách. Vì vậy, mỗi người cần có một cơ thể khỏe mạnh. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực.

Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện…, BS Tâm đưa ra lời khuyên.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/no-chong-no-nu-ke-toan-moi-phat-hien-benh-tam-than-143078.html