NN ĐBSH: Thực trạng xâm hại các công trình thủy lợi tăng

Hơn 2.300 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thậm chí ở một số nơi, tình trạng xâm hại các hồ, đập có chiều hướng gia tăng, song, việc xử lý theo quy định của pháp luật vẫn thiếu kiên quyết và triệt để.

Trên địa bàn thành phố Phúc Yên có hơn 30 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ hồ Đại Lải. (Ảnh: Hải Nam)

Trên địa bàn thành phố Phúc Yên có hơn 30 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ hồ Đại Lải. (Ảnh: Hải Nam)

Từ đầu năm đến 23/8/2019, UBND thành phố Phúc Yên phát hiện thêm 22 vụ vi phạm; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn phát hiện thêm 4 vụ vi phạm. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân sinh sống giáp với các công trình thủy lợi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, trồng cây, cỏ, đổ rác thải, chất thải… trong phạm vi bảo vệ công trình, xả thải vào công trình thủy lợi.

Hàng năm, các công ty TNHH MTV thủy lợi đều phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản vi phạm kịp thời và đề nghị UBND cấp xã có biện pháp hữu hiệu để xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm nói trên vẫn gia tăng, thậm chí, có một số tổ chức, cá nhân nhiều lần bị các cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt và tự giải tỏa.

Tại tràn xả lũ hồ Đại Lải (thành phố Phúc Yên) vào sáng 26/8/2019, phóng viên ghi nhận, hộ gia đình bà Trương Thị Hồ, thôn Gốc Duối, xã Ngọc Thanh đã đào, san đất, xây tường cao 0,7m (bao quanh ô đất chiều dài khoảng 25m) sát vai tràn xả lũ hồ Đại Lải.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, theo Luật Thủy lợi, hành vi trên của gia đình bà Trương Thị Hồ vi phạm tại khoản 10, điều 8, chương I về “lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” và khoản 1, điều 40, chương VI về “phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận”.

Theo Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 11/1/2019 của UBND tỉnh quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thì “vùng phụ cận của tràn xả lũ (bao gồm cả tràn tự do và tràn có cánh van điều tiết), phạm vi vùng phụ cận cần bảo vệ tràn tính từ phần xây đúc cuối cùng ra mỗi bên tối thiểu 50m đối với tràn có lưu lượng tràn thiết kế lớn hơn 200m3/s, 30m đối với tràn có lưu lượng từ 20m3 đến 200m3/s, 10m đối với tràn lưu lượng nhỏ hơn 20m3/s.

Trong khi đó, tràn xả lũ hồ Đại Lải có lưu lượng xả lũ thiết kế 360m3/s. Mặc dù ngày 3/7/2019, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu gia đình bà Trương Thị Hồ khôi phục lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên đến ngày 26/8/2019, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đến kiểm tra, gia đình bà Trương Thị Hồ vẫn chưa thực hiện tháo dỡ.

Tại chân đập Tây hồ Đại Lải, ngày 5/7/2018, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã lập biên bản vi phạm đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thất, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên về xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đập.

Gia đình ông Thất đã đào móng tường rào dọc chân đập Tây kích thước 40x30cm dài khoảng 45m; xây tường rào cao khoảng 30cm, dài 25m; dựng nhà tạm khung thép lợp tôn; đào móng xung quanh ô đất diện tích khoảng 3.000m2; khoan 1 giếng nước sâu khoảng 30m.

Công ty yêu cầu gia đình ông Thất dừng thi công, tuy nhiên, chủ hộ Nguyễn Văn Thất không những không ký vào biên bản vi phạm mà còn tiếp tục xây dựng tường rào kiên cố.

Theo ông Nguyễn Đức Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đây là 2 trong số nhiều vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát, tính đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh phát hiện 2.359 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo Chi cục Thủy lợi, khó khăn nhất trong việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, các công ty TNHH MTV thủy lợi là đơn vị quản lý trực tiếp các công trình thủy lợi nhưng không có thẩm quyền xử lý.

Khi phát hiện vi phạm chỉ tiến hành lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý. Trong khi đó, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, coi việc xử lý các hành vi vi phạm các công trình thủy lợi không thuộc trách nhiệm của địa phương mà là trách nhiệm của các công ty TNHH MTV thủy lợi.

Ý thức chấp hành các quy định của Luật Thủy lợi của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng tái phạm. Sự phối hợp giữa các công ty TNHH MTV thủy lợi với chính quyền cấp xã chưa chặt chẽ dẫn đến số vụ vi phạm phát sinh nhiều, hiệu quả xử lý thấp.

Chế tài xử lý các hành vi vi phạm theo quy định chưa đủ mạnh. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ khai thác công trình thủy lợi chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế.

Để ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh và xử lý dứt điểm các vi phạm cũ, thời gian tới, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư và toàn xã hội về vai trò của công tác đảm bảo an toàn hồ đập với đời sống và sản xuất; tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; kiểm tra, rà soát, phân loại các vi phạm, trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý dứt điểm...

Hưng Yên: 13 sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, nội thất tham gia chương trình OCOP

Theo Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh có 13 sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, nội thất tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bao gồm: Đồ đồng, chế tác vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan...

Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2019, 13/13 sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, nội thất được tiêu chuẩn hóa với mục tiêu có 9/13 sản phẩm đạt 3 sao, 4/13 sản phẩm đạt 4 sao.

Hải Dương: Người nuôi lợn chuyển sang nuôi vịt bị lỗ nặng

Nhiều hộ nuôi vịt trong tỉnh đang bán vịt hơi tại chuồng với giá từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, giảm từ 8.000 - 9.000 đồng/kg so với 1 tuần trước.

Với giá bán này, người nuôi vịt bị lỗ từ 4 - 5 triệu đồng/1.000 con. Nguyên nhân do vài tháng trước giá bán vịt tăng cao nên người dân tái đàn với số lượng lớn. Nhiều người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh cũng chuyển sang nuôi vịt dẫn tới nguồn cung tăng mạnh.

Thanh Hóa: Phát triển nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Phụ

Những năm gần đây, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Khu nuôi tôm công nghiệp tại thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ.

Hiện nay, xã Hoằng Phụ có 247 ha diện tích NTTS, chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến và tôm công nghiệp với sản lượng đạt 2.000 tấn/năm. Trên địa bàn xã đã có 36 hộ dân đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát, với tổng diện tích 30 ha.

Đây là hình thức nuôi có nhiều ưu điểm, thời gian nuôi ngắn so với con nuôi khác, tôm thẻ chân trắng dễ nuôi do chịu được môi trường thay đổi, thích nghi với độ mặn, chịu được nhiệt độ thấp, cho năng suất cao. Qua các vụ nuôi cho thấy, việc nuôi tôm công nghiệp trên cát ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi thâm canh cải tiến.

Ngoài ra, xã Hoằng Phụ đang thực hiện 3 mô hình nuôi tôm sú giống thế hệ mới xen cá đối mục ở vùng nội đê được đưa vào thử nghiệm với diện tích 2 ha. Các mô hình này mang lại sản lượng, hiệu quả cao khi tôm sú giống thế hệ mới tăng trưởng nhanh, giúp rút ngắn thời gian nuôi, giảm nguy cơ rủi ro so với tôm sú truyền thống; nuôi cá đối mục vừa có thể mang lại giá trị kinh tế vừa có những tác động tích cực đến môi trường nuôi.

Để nghề NTTS phát triển, xã đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối, nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm, xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho NTTS tập trung. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ NTTS tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư, cải tạo, kiên cố ao nuôi, mua sắm thiết bị. Đồng thời, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi; khuyến cáo các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ; thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để người nuôi chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi.

Ngoài ra, HTX NTTS Hoằng Phụ là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ NTTS lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiêu biểu như hộ các ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuật, Phùng Quốc Hội... đầu tư nuôi tôm công nghiệp cho lợi nhuận trung bình từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, cho biết: Hiện UBND xã đang tiếp tục xây dựng kế hoạch khuyến khích, huy động các hộ dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp trũng, thấp trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS; đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, hệ thống giao thông, thủy lợi... từ đó, hoàn thiện hơn vùng NTTS tập trung. Hiện xã Hoằng Phụ đang tiếp tục tạo điều kiện để người dân thuê đất, phát triển các mô hình NTTS ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích những hộ nuôi quảng canh đầu tư mở rộng diện tích nuôi thả theo hình thức công nghiệp, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh... giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất và sản lượng.

Thời gian tới, xã Hoằng Phụ tiếp tục khai thác lợi thế về mặt nước để đẩy mạnh NTTS. Trong đó, hướng tới mục tiêu nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng diện tích đối với các đối tượng nuôi chủ lực, áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế./.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nn-dbsh-thuc-trang-xam-hai-cac-cong-trinh-thuy-loi-tang-post30409.html