NMLD Dung Quất: Hành trình 51 ngày bảo dưỡng tổng thể

Bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất diễn ra trong 51 ngày, từ ngày 12/8 đến ngày 01/10. Khác với những lần trước, lần bảo dưỡng này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thời tiết mưa bão, thiếu hụt nguồn lực có tay nghề cao, tuổi thọ thiết bị nhà máy sau hơn 10 năm vận hành và yêu cầu nghiêm ngặt hơn về an toàn, chất lượng nhằm hướng tới mục tiêu giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể lên trên 3 năm.

Vừa chống dịch, vừa thực hiện bảo dưỡng

Tại buổi phát động thi đua 51 ngày đêm hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 4, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Minh Tiến đã nhấn mạnh: Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn, tác động kép của dịch bệnh và giá dầu giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho bảo dưỡng. Và chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa lo chống dịch vừa thực hiện bảo dưỡng.

Để đảm bảo mục tiêu đề ra, BSR đã thành lập Ban chỉ đạo chống Covid do Tổng Giám đốc trực tiếp là Trưởng ban, tổ chức họp hàng tuần để đôn đốc rà soát các công việc; ban hành nhiều chỉ thị, thông báo yêu cầu tất cả người lao động nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch như bắt buộc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn, khai báo y tế…

Kiểm soát an ninh và các yêu cầu phòng dịch Covid tại cổng A1

Kiểm soát an ninh và các yêu cầu phòng dịch Covid tại cổng A1

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát 2 lần tính từ đầu năm 2020, Việt Nam hạn chế nhập cảnh, không có chuyến bay đến Việt Nam nên việc huy động chuyên gia nước ngoài gặp vô vàn khó khăn. Những thách thức đó tưởng chừng như bế tắc nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo Công ty cùng với sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các bộ ban ngành và tỉnh Quảng Ngãi, BSR đã đưa 251 chuyên gia từ 16 quốc gia khác nhau sang thực hiện bảo dưỡng đảm bảo an toàn, không có chuyên gia nào bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, BSR phối hợp với các nhà thầu phát huy tối đa nội lực trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp bảo dưỡng dầu khí có uy tín như PTSC Quảng Ngãi, PVChem, PVMR… nhằm huy động tối đa nhân sự chất lượng cao trong nước, giảm chi phí thuê chuyên gia nước ngoài cũng như các chi phí đưa đón, cách ly y tế.

Bảo dưỡng tổng thể lần 4 có 7 gói thầu chính thuê ngoài và BSR tự thực hiện 3 gói công việc lớn như thiết bị quay, thiết bị điện và thiết bị tự động hóa. Tổng khối lượng công việc đã thực hiện là 7.458 mục, trong đó BSR tự thực hiện hơn 3.200 đầu mục; tổng nhân sự tham gia bảo dưỡng gần 4.700 người.

Tính đến ngày 01/10, có trên 312 nghìn lượt người được kiểm soát an ninh ra/vào các cổng, được kiểm tra y tế và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. BSR đã đạt 27,6 triệu giờ công an toàn, trong đó giai đoạn bảo dưỡng tổng thể đóng góp hơn 1,4 triệu giờ công an toàn – điều đó nói lên sự hăng say, tuân thủ quy tắc an toàn, vượt thách thức của tập thể người lao động quốc tế trên công trường BDTT lần 4.

Kiểm soát thân nhiệt bằng máy đo tự động

Vượt qua những thách thức kỹ thuật

Không chỉ có khó khăn về dịch bệnh, thời tiết; những khó khăn về kỹ thuật cũng được BSR và nhà thầu cùng nhau vượt qua. Trong 7 gói thầu thì gói thầu số 1 có tính chất phức tạp nhất. Các hạng mục công việc chính tại gói thầu này là thay thế sửa chữa 4 cyclone thứ cấp CY-1504 của tháp tái sinh tầng 2 và bảo dưỡng van. Việc thay thế 4 cyclone gặp vô vàn khó khăn với nhiều công đoạn phức tạp như: Cắt vật liệu bằng nước cao áp, nâng hạ, cân chỉnh, lắp đặt và sửa chữa 18 tấn vật liệu cách nhiệt bên trong không gian chỉ đủ cho 1 người làm việc. Mỗi cyclone có kích thước 12m, nặng 5 tấn và được thực hiện trong không gian hạn chế, có nhiều công việc triển khai đồng thời nên gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng sự khéo léo, khoa học và tỉ mỉ, 4 cyclone đã được thay thế an toàn, đảm bảo chất lượng.

Gói thầu số 7 cũng nằm trên đường găng tiến độ và đây là công việc lần đầu tiên bảo dưỡng phao SPM sau hơn 10 năm vận hành, gồm 3 công đoạn chính: tháo phao, bảo dưỡng phao trên Dock và lắp đặt lại phao. Công tác bảo dưỡng phao trên Dock là công đoạn cực kỳ phức tạp, lần đầu tiên thực hiện và trong điều kiện thiếu hụt về chuyên gia. BSR và nhà thầu phải huy động gấp đôi nguồn lực, làm việc 24/24 để đẩy nhanh tiến độ đề ra. Công việc đang diễn ra thuận lợi thì bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, đã làm công tác lắp lại phao trên biển chậm 2 ngày so với kế hoạch. Chạy đua với bão, công việc bảo dưỡng phao được điều chỉnh kế hoạch, tách các phần việc có thể làm trước bão như: lắp xích neo, ống chìm, gia cố tránh bão; sau bão lắp hệ thống ống nổi, thủy lực, thiết bị đo lường và điều khiển. Một lần nữa, người BSR đã vượt qua khó khăn, gói thầu số 7 đã hoàn thành và bàn giao đúng kế hoạch đề ra. Chiều ngày 23/9, phao SPM đã tiếp nhận chuyến dầu thô đầu tiên đảm bảo an toàn, đánh dấu SPM đã hoạt động trở lại sau kỳ bảo dưỡng.

Nhân sự nhà thầu đưa các cyclone vào tháp D-1503

Tại gói thầu số 2, quá trình kiểm tra ăn mòn dưới lớp bảo ôn của tháp T1802 ở phân xưởng SWS, đã phát hiện hỏng hóc ở đỉnh tháp và được tư vấn JGC Nhật Bản khuyến cáo thay thế ngay. BSR đã mua vật tư, thiết bị từ Singapore và Hàn Quốc; tiến hành gia công tại xưởng để nhà thầu thay thế. Tháp có chiều cao khoảng 30m và vị trí ăn mòn cao khoảng 24m, đường kính 1,8m nên thao tác gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu đã huy động nhân sự tối đa, làm 2 ca liên tục để thực hiện công việc, giúp tiến độ chung của gói 2 được đảm bảo.

Các gói thầu còn lại 3, 4 và 5 cũng gặp nhiều khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện như sửa chữa hỏng hóc của các đuốt, thay thế ống của các thiết bị trao đổi nhiệt bị ăn mòn, sơn chống ăn mòn gần 8.000m2 bên trong hệ thống đường ống nước biển.

Đối với gói công việc do BSR tự thực hiện, nhiều hạng mục công việc phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại BSR như nâng cấp hệ thống EMCS, DCS/ESD, DRCS, Surge test đều đã thực hiện thành công. Trong các đợt bảo dưỡng trước, BSR đã tốn rất nhiều chi phí cho việc mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ giám sát tháo, kiểm tra, lắp đặt các thiết bị quay. Tuy nhiên lần bảo dưỡng này, nhân sự BSR tự thực hiện các công đoạn tháo thiết bị, vệ sinh và chỉ mời chuyên gia cho phần việc kiểm tra, lắp đặt thiết bị đã tiết kiệm chi phí bảo dưỡng hàng tỷ đồng.

Phao SPM được kéo ra biển sau khi bảo dưỡng trên bờ

Áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, đạt 4 mục tiêu KPI

Ông Bùi Ngọc Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR cho biết: Trong đợt bảo dưỡng lần này, nhiều giải pháp quản trị và kỹ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng, mang lại lợi ích về kinh tế cũng như tiến độ cho Công ty. Trong đó, nổi bậc nhất là công tác quản trị rủi ro, BSR phân tích tất cả kịch bản có thể xảy ra do Covid-19, thời tiết, tuổi thọ của thiết bị,… để tìm giải pháp, xử lý thấu đáo nhằm chủ động trong mọi tình huống. BSR cũng áp dụng nhiều giải pháp cải tiến như rút xúc tác bằng máy hút chân không công suất lớn, cải tiến hệ thống sấy khô vật liệu cách nhiệt, áp dụng công nghệ 4.0 để làm việc trực tuyến, cải tiến hệ thống tách muối của phân xưởng CDU… nhằm rút ngắn tiến độ, đảm bảo chất lượng và tăng hiệu quả vận hành.

Trong quá trình thực hiện bảo dưỡng, BSR và các nhà thầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh, không có trong kế hoạch. Hàng ngày, Ban Điều hành bảo dưỡng tổng thể họp với các nhà thầu để kiểm tra tình hình thực hiện công việc, giải quyết những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu. Lãnh đạo Công ty cũng thường xuyên kiểm tra, bám sát công trường để chỉ đạo, điều hành công việc, quyết định, xử lý các vấn đề nóng, cấp bách tại chỗ, hỗ trợ tối đa các nhà thầu thực hiện công việc.

BSR thực hiện bảo dưỡng máy nén tại cụm phân xưởng RFCC

Ngày 30/9, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất ra sản phẩm đầu tiên (xăng Reformat) và ngày 01/10, tất cả các phân xưởng công nghệ của nhà máy đã được nạp liệu, đi vào hoạt động, đánh dấu kết thúc đợt bảo dưỡng tổng thể. Có thể khẳng định, bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất đã thành công, đạt 4 mục tiêu đã đề ra: An toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí.

Về an toàn, đạt tiêu chí 5 không: Không có trường hợp nhiễm Covid-19, không tai nạn mất ngày công, không sự cố cháy nổ, không sự cố an ninh trật tự và không sự cố môi trường. Về chất lượng, đảm bảo chất lượng, khắc phục các lỗi kỹ thuật của nhà máy, quyết tâm đưa nhà máy vận hành ở 110% công suất và giãn thời gian bảo dưỡng trên 3 năm. Về tiến độ, đảm bảo 51 ngày. Về chi phí, thấp hơn dự toán được duyệt.

Sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị

Để có được sự thành công này, là nhờ vào sự ủng hộ, chỉ đạo tích cực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự đóng góp của tập thể người lao động BSR và các nhà thầu. Và không thể không kể đến các tổ chức đoàn thể Công ty cùng tham gia chăm lo công tác hậu cần bảo dưỡng.

Với mục tiêu: “Đảm bảo an toàn, chu đáo, tận tâm”. Công tác hậu cần phục vụ cho hơn 1.200 người lao động BSR tham gia bảo dưỡng được đảm bảo. Công đoàn cơ sở tổ chức thăm hỏi, động viên người lao động, phát suất ăn nhẹ đến tận tay người lao động. Đảng ủy và Ban lãnh đạo Công ty cũng thường xuyên vào công trường để phát thức ăn nhẹ, thăm hỏi và động viên tinh thần người lao động.

Lãnh đạo PVN chỉ đạo trên công trường bảo dưỡng

Đoàn thanh niên cũng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ bảo dưỡng như: Hỗ trợ giám sát an ninh, an toàn, hướng dẫn, phân luồng nhà thầu nhằm tuân thủ các quy định về phòng chống dịch; hỗ trợ bảo lãnh nhà thầu; phối hợp với lực lượng an ninh tuần tra trên công trường; thực hiện công tác 5S và hỗ trợ phát suất ăn nhẹ.

Hội Cựu chiến binh Công ty đã lập tổ xung kích gồm 9 chiến sỹ trực tiếp hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Hàng ngày các chiến sỹ luôn có mặt vào lúc 5h30 sáng để cùng với lực lượng an ninh kiểm tra việc tuân thủ của nhà thầu cũng như hỗ trợ bảo lãnh nhân sự nhà thầu vào làm việc. Vào giờ nghỉ trưa, tổ xung kích phối hợp kiểm an ninh, trật tự trên công trường. Khi kết thúc công việc, tổ xung kích lại tiếp tục hỗ trợ việc kiểm soát nhân sự nhà thầu ra về.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, BSR đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công chiến dịch bảo dưỡng tổng thể.

Tại buổi làm việc với BSR, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự trưởng thành của BSR trong công tác quản trị, điều hành, thực hiện bảo dưỡng tổng thể đạt 4 mục tiêu trong hoàn cảnh dịch bệnh, thời tiết và giá dầu giảm sâu. BSR cần đánh giá chi tiết, tổng kết rút kinh nghiệm từ công tác chuẩn bị, đến công tác triển khai, cập nhật cơ sở dữ liệu để đề xuất kéo dài thời gian cho kỳ bảo dưỡng tiếp theo trên 3 năm.

Có thể nói, sự thành công trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4 là tiền đề, động lực quan trọng để cán bộ, kỹ sư và người lao động BSR tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đưa Công ty vượt qua tác động kép, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra, góp phần vào sự phát triển chung Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

B.S

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nmld-dung-quat-hanh-trinh-51-ngay-bao-duong-tong-the-579784.html