NKG rơi vào nghịch cảnh

Áp lực cạnh tranh và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân khiến CTCP Thép Nam Kim (NKG) rơi vào nghịch cảnh: doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận lại giảm sâu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến NKG liên tục phá đáy trước áp lực bán tháo từ NĐT.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Kết quả kinh doanh (KQKD) 6 tháng đầu năm 2018 của NKG cho thấy sự chênh lệch lớn giữa doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, dù doanh thu tăng 44% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ tăng trưởng sản lượng ổn định, nhưng biên lợi nhuận giảm khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 34%.

Tương tự với các công ty khác trong ngành tôn mạ, việc lợi nhuận giảm xuất phát từ sự gia tăng đột biến của chi phí đầu vào mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC). Mức giá HRC đạt cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 3 là 620USD/tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá HRC tăng hơn 20%.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất NKG đang phải đối mặt là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong nước. Thực tế, việc gia tăng mở rộng công suất được dẫn dắt bởi các công ty đầu ngành, như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng 1,25 triệu tấn, và mới nhất là CTCP Thép Hòa Phát (HPG) chính thức tham gia thị trường tôn mạ đầu năm 2018. Bản thân NKG cũng gia tăng công suất thêm 800.000 tấn (tăng gần gấp đôi so với 2015).

Cuộc đua mở rộng công suất (giai đoạn 2016-2017) đã đẩy mức cạnh tranh trong nước của thị trường tôn mạ trở nên khốc liện hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi ngành thép có độ nhạy cảm cao với các biến động thương mại quốc tế (chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc) và các chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu, có thể tác động đến doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận của oanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Hiện sản lượng xuất khẩu chiếm 50% tổng sản lượng tiêu thụ của NKG.

Để tăng tiêu thụ, ngoài việc chấp nhận mức biên lợi nhuận thấp hơn, NKG phải thu hút khách hàng bằng các chính sách trả chậm. Đây là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay của NKG dự báo tiếp tục tăng do nợ vay ngắn hạn tăng. Các khoản phải thu của doanh nghiệp cũng tăng, có thể do chính sách tín dụng dành cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc mở rộng công suất đòi hỏi dự trữ nhiều nguyên vật liệu hơn, đồng thời hàng tồn kho thành phẩm tăng của NKG cũng tạo áp lực lên vốn lưu động.

Sẽ không chia cổ tức?

Những yếu tố bất lợi này đã phần nào phản ánh vào giá CP NKG trên TTCK. Nếu thời điểm đầu năm 2018, NKG còn giao dịch trên mốc 40.000 đồng/CP, đến giữa tháng 9 vừa qua NKG giảm xuống sát mức 12.000 đồng/CP.

Như vậy, nếu loại trừ phiên giao dịch không hưởng quyền ngày 11-6 để phát hành 52 triệu CP tăng vốn điều lệ, NKG đã giảm khoảng 50% giá trị. Điểm cộng của NKG chính là thanh khoản được duy trì ở mức cao, khi thường xuyên có những phiên giao dịch đạt trên 1 triệu đơn vị, thậm chí đạt hơn 5 triệu đơn vị ở phiên ngày 1-10 vừa qua.

Dù sụt giảm khá mạnh nhưng lực động lực tăng giá của NKG không còn nhiều, bởi KQKD của doanh nghiệp được dự báo không có nhiều đột biến trong những tháng cuối năm. Theo nhận định của các CTCK, nhu cầu cho sản phẩm tôn mạ, cả từ trong nước và quốc tế, vẫn duy trì lành mạnh. Nhưng môi trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức và thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt, sẽ tạo thêm nhiều áp lực lên cả sản lượng bán và giá bán của tất cả nhà sản xuất.

Theo đó, doanh thu thuần cả năm 2018 của NKG ước đạt 16.000 tỷ đồng (tăng 25%), biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,6% xuống còn 7,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng (giảm 39%). Với KQKD kém khả quan này, dự báo NKG sẽ không trả cổ tức tiền mặt trong tương lai, khi tiền mặt sẽ được giữ lại để thanh toán nợ vay và tài trợ vốn lưu động.

Giữa tháng 6, Indonesia đã công bố áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) lên tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam với mức thuế 12,01-28,49% trong vòng 5 năm. Trong đó, 2 doanh nghiệp tôn mạ của Việt Nam là HSG và NKG chịu mức thuế lần lượt 12,01% và 19,16%.

Kim Giang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nkg-roi-vao-nghich-canh-62018.html