Ninh Thuận xử lý nghiêm tàu cá vi phạm khai thác trên biển

Nhằm góp phần gỡ 'thẻ vàng', tỉnh Ninh Thuận triển khai các giải pháp khắc khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), cùng với đó xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.

Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 2.224 tàu cá, trong đó 774 tàu có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 118.286 tấn với tổng giá trị hơn 7.449 tỷ đồng.

 Ninh Thuận đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm góp phần gỡ thẻ vàng của EC. Ảnh: MH.

Ninh Thuận đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm góp phần gỡ thẻ vàng của EC. Ảnh: MH.

Đối với việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Theo đó Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu... trong việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để cá vi phạm khai thác trái phép.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, để thực hiện nghiêm Luật Thủy sản 2017 cùng với các khuyến nghị của EC, tỉnh đã tổ chức hơn 150 lớp tuyên truyền, nhằm giúp ngư dân nhận thức được tác hại của việc vi phạm khi tham gia khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt là xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đó, những tàu cá vi phạm trong khai thác thủy sản đã được tỉnh xử lý nghiêm theo quy định. Cụ thể, thời gian qua lực lượng chức năng thực hiện 39 cuộc thanh tra, kiểm tra 1.971 trường hợp tàu cá, ngư dân. Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 419 trường hợp vi phạm, thu nộp vào ngân gần 500 triệu đồng.

Theo ông Tín, đối với công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cập và rời cảng hiện tỉnh đã thực hiện đi vào nề nếp, đa phần các tàu đánh bắt cá đều tuân thủ việc khai báo xuất nhập bến, nộp nhật ký khai thác. Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc, đến nay Chi cục vẫn chưa thực hiện lô hàng nào, vì chưa có yêu cầu từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Các tàu cá Ninh Thuận được giám sát chặt sẽ thông qua thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ. Ảnh: KS.

Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá từ 15m trở lên đã được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 690/774 tàu lắp thiết bị này. Nhờ đó đã giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động trên biển.

Không chỉ cảnh báo kịp thời cho tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài, mà còn cảnh báo các tàu hoạt động trái tuyến. Thực tế, năm 2020 cơ quan chức năng đãng ngăn chặn 9 trường hợp có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài và cảnh báo gần 100 trường hợp các tàu hoạt động trái tuyến.

Còn về lợi ích đối với các tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thể hiện rõ khi bị sự cố trên biển. Chẳng hạn vừa qua như trường hợp tàu cá NT 90504 TS của ngư dân Hà Hòa làm chủ bị sự cố gãy láp trên biển. Nhờ tàu lắp đặt thiết bị hành trình nên cơ quan chức năng rất nhanh chóng xác định vị trí những tàu hoạt động xung quay để kịp thời thông báo cứu hộ về bờ an toàn.

Cũng theo ông Tín, hiện số tàu còn lại chưa lắp thiết bị giám sát hành trình có một số nguyên nhân. Một là, tàu cá làm ăn thua lỗ thiếu kinh phí lắp đặt. Hai là, thường xuyên hoạt động tại ngư trường các đảo của các tỉnh phía Nam. Trước tình hình trên, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác hướng dẫn và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với việc các tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Đồng thời cơ quan chức năng Ninh Thuận quyết tâm ngăn chặn tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, thông qua tăng cường trực giám sát tàu cá, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh khu vực phía Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến và tàu có trong danh sách có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Theo ông Tín, những trường hợp không mở thiết bị hoặc mất kết nối do ý thức chấp hành quy định pháp luật của nhiều ngư dân còn hạn chế. Hay việc ghi, nộp nhật ký và báo cáo khai thác hải sản chưa được các chủ tàu, thuyền thực hiện nghiêm túc. Và, các tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thường không vào cảng chỉ định nên việc nộp báo khai thác thủy sản không thực hiện được.

Các vấn đề trên, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và cho ký cam kết về các quy định không mở thiết bị hoặc mất kết nối, ghi và nộp nhật ký đối với tàu từ chiều dài từ 6 đến dưới 12m. Đối với các tàu cá sau nhiều lần tuyên truyền và ký cam kết vẫn tiếp tục cố tình vi phạm, tỉnh sẽ có biện pháp mạnh trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Kim Sơ-Minh Hậu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ninh-thuan-xu-ly-nghiem-tau-ca-vi-pham-khai-thac-tren-bien-d285228.html