Ninh Thuận tràn lan 'nhà dụ' nuôi chim yến

Nuôi chim yến là nghề mới phát sinh 10 năm gần đây ở tỉnh Ninh Thuận. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ nuôi chim yến cao và cho ra sản phẩm đặc thù, cho nên năm 2014 Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch vùng nuôi chim yến đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay nhiều 'nhà dụ' chim yến mọc lên ngoài vùng quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trên nuôi chim yến dưới bán càphê (Càphê quán Mộc, phường Phước Mỹ). Ảnh: K.N

Quy hoạch nuôi bị phá vỡ

Năm 2014 UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Quy hoạch vùng nuôi chim yến đến năm 2020, vùng nuôi chim yến được quy hoạch thành 9 khu vực, với 3 mức độ ưu tiên. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tính đến 1.2018, trên địa bàn tỉnh có 184 nhà nuôi chim yến nhưng chỉ có 14 nhà có giấy phép xây dựng trong vùng quy hoạch, 170 nhà nuôi chim yến đều xây dựng ngoài vùng quy hoạch. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 25 nhà nhưng chưa khắc phục hậu quả, phá dỡ công trình vi phạm. Sau mốc thời gian trên, ngoài vùng quy hoạch nuôi chim yến có thêm 4 nhà xây dựng, bao gồm 2 nhà có giấy phép xây dựng nhưng tự ý cải tạo, thay đổi công năng thành nhà nuôi chim yến và 2 nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Tất cả đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả, phá dỡ công trình vi phạm.

Không chỉ xây dựng ngoài vùng quy hoạch nuôi chim yến, một số hộ gia đình, cá nhân tự ý xây nhà nuôi chim yến trong khu dân cư không có giấy phép xây dựng, hoặc có giấy phép xây dựng nhưng tự ý cải tạo, thay đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến gây bức xúc cho người dân xung quanh. Trong thực tế, hầu hết các nhà nuôi chim yến được xây dựng chỉ chú ý đến địa điểm thuận lợi dẫn dụ chim yến về làm tổ, các địa điểm này thường không nằm trong vùng quy hoạch nuôi chim yến mà lại nằm gần hoặc ngay khu dân cư.

Hướng xử lý có phù hợp?

Ngày 2.5.2018, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với nhà nuôi chim yến nằm ngoài quy hoạch vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam kết luận: “Đối với các trường hợp xây dựng ngoài vùng quy hoạch nuôi chim yến, không có giấy phép xây dựng: Tạm thời cho phép tiếp tục nuôi chim yến; giao chính quyền địa phương yêu cầu các chủ nhà nuôi chim yến có văn bản cam kết giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới, mở rộng nhà nuôi chim yến, không yêu cầu bồi thường các công trình trên đất có liên quan nhà nuôi chim yến trong trường hợp nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các công trình trên đất liên quan nhà nuôi chim yến tại các khu vực này”.

Hướng xử lý của UBND tỉnh Ninh Thuận đối với nhà nuôi chim yến nằm ngoài quy hoạch vùng nuôi trên địa bàn có giấy phép xây dựng nhưng tự ý cải tạo, thay đổi công năng thành nhà nuôi chim yến; nhà không có giấy phép xây dựng và nhà xây dựng trên đất nông nghiệp như vậy, liệu có tính thuyết phục hay chỉ là đối phó với “con mắt” giám sát của người dân?

Trong tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021, cử tri phường Phước M¬, TP.Phan Rang - Tháp Chàm kiến nghị: Việc nuôi chim yến tự phát trong khu dân cư không theo quy hoạch như hiện nay khá phổ biến trên địa bàn tỉnh (trong đó có cả một số cán bộ, công chức) gây ảnh hưởng đến môi trường… Ông Phạm Văn A - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Quy hoạch vùng nuôi đã có từ lâu, cái khó là do “họ” không làm theo quy định.

Bà Trần Thị Gái, một hộ dân sống gần khu vực này bức xúc nói: “Ngay từ sáng sớm đến chiều tối luôn bị ám ảnh bởi tiếng ồn của máy dụ chim yến tại quán càphê Mộc, Hội quán bia, phố yến sào Long Mai... Tại sao các điểm “dụ” chim yến này đều bị thay đổi công năng từ nhà ở sang nuôi chim yến và nằm “hiện hữu” trong khu dân cư”. Còn ông Trần Văn Thanh, khu phố 2, phường Tấn Tài, TP. Phan Rang - Tháp Chàm chia sẻ: Tiếng máy dụ dẫn chim yến về, phát âm thanh ríu rít làm tra tấn chúng tôi hằng ngày. Người già và trẻ em không được ngủ yên. Nhưng không hiểu vì sao các ngành chức năng không kiên quyết xử lý. Chưa kể cả, nếu phát hiện dịch bệnh từ nuôi chim yến, thì không biết hệ lu√ sẽ gây ra như thế nào đối với người dân.

Trong khi đó, các hệ lụy về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, dịch bệnh… đang gây nhiều tiềm ẩn khó lường đối với nuôi chim yến nằm ngoài vùng quy hoạch.

Khả Như

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ninh-thuan-tran-lan-nha-du-nuoi-chim-yen-625916.ldo