Ninh Thuận thu hút đầu tư vào ngành du lịch

Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vẻ đẹp của vịnh Vĩnh Hy - một trong những điểm đến của tỉnh Ninh Thuận thu hút đông du khách.

Vẻ đẹp của vịnh Vĩnh Hy - một trong những điểm đến của tỉnh Ninh Thuận thu hút đông du khách.

Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh ban hành cơ chế thu hút các dự án du lịch trọng điểm, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn tham gia đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (vùng biển Bình Tiên - Vĩnh Hy - Ninh Chữ và Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và vùng phụ cận; ưu đãi và vận dụng các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng, giải quyết vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh đang có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 132 khách sạn, cơ sở lưu trú với 2.843 phòng. Ngành du lịch tỉnh xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, tăng cường quản lý giá cả dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Trong tám tháng năm 2018, Ninh Thuận đón hơn 2,13 triệu lượt khách, dự kiến thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch cả năm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Tỉnh đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường du lịch; tăng cường liên kết vùng, miền, trong đó chú trọng kết nối tuyến du lịch Nha Trang và các tỉnh duyên hải miền trung; tuyến nối Đà Lạt và Tây Nguyên; tuyến nối Bình Thuận - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam…

* Bến Tre xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa

Tỉnh Bến Tre đề ra mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô phát triển toàn diện, bền vững, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến 2030, tỉnh phấn đấu GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 2%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 47%, thủy sản đạt 52,8%. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; rà soát, bổ sung kịp thời các quy hoạch sản xuất nông nghiệp liên quan trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Tỉnh xây dựng được chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tỉnh có 67 tổ hợp tác, 24 hợp tác xã, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37657002-ninh-thuan-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-du-lich.html