Ninh Thuận: Nghịch lý kênh thủy lợi 'trơ đáy' giữa mùa mưa

Từ nhiều năm qua, người dân tại thị trấn Phước Dân vẫn đang ngóng chờ các ngành chức năng đầu tư, mở rộng công trình thủy lợi đưa nước về kênh L16 để 'cứu' hàng trăm diện tích đất đang 'khát cháy'.

Thiếu nước sản xuất trầm trọng

Tuyến kênh L16 thuộc hệ thống kênh Nam (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được bê tông kiên cố để phục vụ nước tưới cho hơn 450ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng, khi đưa vào vận hành từ năm 2003, đoạn cuối kênh này lại không đủ nước cho sản xuất cho làng Ma Zăng Hạ (vùng đất cuối kênh L16).

Trong 15 năm qua, hàng trăm người dân của làng Bình Quý thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) nhiều lần kiến nghị cần có nước đến cuối tuyến kênh để phục 100ha đất sản xuất tuy nhiên đến nay vẫn chưa có.

Đoạn cuối kênh L16 nằm trơ đáy đã từ nhiều năm nay gây nên tình trạng lãng phí. (Ảnh: Duy Quan).

Gia đình bà Trương Thị Kim Quyên (ngụ khu phố 10, thị trấn Phước Dân) có hơn 1ha đất nông nghiệp từ nhiều năm nay không thể sản xuất được. Chỉ tay về hướng mảnh đất nhà mình, bà Quyên chia sẻ: “Từ khi tuyến kênh L16 xây dựng, hoàn thành đến nay, đoạn cuối của con kênh này không bao giờ có nước, chỉ bỏ khô. Gia đình phải tự bỏ tiền ra khoan giếng, lấy nước ngầm để sản xuất".

"Tuy nhiên, mạch nước ngầm ở đây thường bị nhiễm phèn, không thể làm gì được. Gia đình tôi đã thay đổi cây trồng để cho phù hợp với tình hình thiếu nước ngọt sản xuất của vùng đất. Tuy nhiên, ngay cả lúa, táo, nho đều không chịu được, buộc gia đình phải chặt bỏ. Đất không sản xuất được, các khoản nợ mua trước từ đại lý như: phân bón, thuốc… làm sao trả được. Mong các cấp các ngành chức năng xem xét, sớm xây dựng trạm bơm Bình An để cứu cây trồng, vật nuôi của bà con đang “khát” nơi đây”, bà Quyên nói thêm.

Do không có nước, đoạn kênh này đã trở thành “hố rác” của người dân địa phương. (Ảnh: Duy Quan).

Cách gia đình bà Quyên khoảng 100m, hộ ông Trần Văn Đủ (66 tuổi, ngụ khu phố 10, thị trấn Phước Dân) cũng đang điêu đứng trước tình cảnh thiếu nước sản xuất trầm trọng. “Lượng nước tưới ở đây không đủ. Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những cơn mưa, nhưng đoạn cuối của kênh hiện nay đã cạn đáy, lúa và cây trồng ở đây đang khát cháy”, ông Đủ buồn bã nói.

Trong khi đó, để duy trì sản xuất, năm 2013, hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Quý đã huy động bà con đóng góp bằng lợi tức hơn 45.000.000 đồng xây dựng trạm bơm “dã chiến” Bình An bên bờ sông Quao để cứu 20ha cánh đồng lúa làng Ma Zăng Hạ. Các diện tích đất sản xuất còn lại, trạm bơm không đủ công suất để đưa nước đến phục vụ.

Bao giờ có nước tưới?

Nhiều đoạn kênh đã bị một số người dân đập phá lấy đá để phục vụ công việc cá nhân . (Ảnh: Duy Quan).

Theo tìm hiểu của PV, đoạn cuối của tuyến kênh L16 đã không có nước trong khoảng một thời gian dài, tạo điều kiện cho người dân sống gần khu vực vứt rác ngập tràn. Có một số đoạn kênh, người dân không ý thức tự đập phá lấy đá về phục vụ cho công việc cá nhân…

Trong tháng 3/2018, chi cục Thủy lợi đã phối hợp với công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh và địa phương huyện Ninh Phước kiểm tra thực tế khu vực bà con phản ánh không đủ nước tưới. Từ đó, đơn vị có phương án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh, để phục vụ nước tưới nước nông nghiệp cho khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn đang ngóng chờ “nước” để sản xuất.

Những ngày này, Ninh Thuận đang bắt đầu vào mùa mưa. Thế nhưng, làng Ma Zăng Hạ vẫn đang “khát”. (Ảnh: Duy Quan).

Nguyện vọng chưa được giải quyết, vì vậy trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 7/8 vừa qua, người dân ở đây lại tiếp tục kiến nghị với các đại biểu HĐND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh cần quan tâm mở rộng tuyến kênh L16 và xây dựng thêm một trạm bơm để đủ nước tưới cho nông dân sản xuất, nhất là làng Ma Zăng Hạ.

Trao đổi với PV, ông Võ Đức Khang, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: “Qua kiến nghị nhiều lần của cử tri, UBND thị trấn đã lập đoàn đi khảo sát. Thời gian qua, địa phương cũng đã gửi nhiều báo cáo, tờ trình lên huyện và các ngành chức năng tỉnh xem xét. Điều bà con mong muốn là các ngành chức năng sớm có biện pháp đưa nước cho đoạn cuối kênh L16 để bà con thuận tiện hơn trong vấn đề sản xuất và ổn định đời sống”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ninh-thuan-nghich-ly-kenh-thuy-loi-tro-day-giua-mua-mua-a382764.html